.

Mừng mà lo!

.

(ĐNĐT) - Việc Almeida Jose de Emidio lần thứ hai liên tiếp được trao giải “Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất V-League” chẳng phải bất ngờ khi ở mùa giải trước, anh từng giành ngôi “Vua phá lưới V-League 2008” với 23 lần tung lưới đối phương.

Tuy vậy, mừng mà lo! Chính bản năng sát thủ của “cây sào” 1,93 mét này lại gợi lên rất nhiều nỗi lo cho SHB Đà Nẵng.

Trước khi bước vào V-League 2009, những biểu hiện bất thường của Almeida trong sinh hoạt, tập luyện cùng với hàng loạt thông tin về việc các CLB khác đang chèo kéo tiền đạo này khiến cả lãnh đạo lẫn Ban huấn luyện SHB Đà Nẵng như ngồi trên lửa. Vào thời điểm ấy, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng khẳng định, Almeida đã công khai đề nghị được tăng lương và được nhận khoản tiền lót tay đáng kể nếu CLB muốn anh gia hạn hợp đồng.

SHB Đà Nẵng đang phụ thuộc rất nhiều vào phong độ của Almeida (áo cam).

Cho đến lúc này, dù V-League 2009 mới khởi đi được những vòng đấu đầu tiên nhưng lãnh đạo Công ty Cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng vẫn chưa vơi nỗi lo. Tổng Giám đốc Bùi Xuân Hoà cho biết: “Công ty vẫn đang tính toán để duy trì hợp đồng với Almeida. Hiện nay, những điều khoản đã được đặt ra và hai bên đang tiếp tục thương thảo để đi đến thống nhất”. Nỗi lo càng lớn hơn khi trong 3 mùa giải khoác áo Đà Nẵng, Almeida đã chứng tỏ, anh là cầu thủ không thể thay thế, dù thuyền trưởng của Đà Nẵng có là Trần Vũ, Phan Thanh Hùng hay Lê Huỳnh Đức.

Ở trận đấu với Hoàng Anh Gia Lai, tiền đạo Lê Thanh Xuân được xếp đá cặp cùng Almeida bị mất hút trong suốt thời gian có mặt trên sân. Trong lúc đó, khi Almeida bị phong tỏa, thế công của SHB Đà Nẵng hầu như rơi vào bế tắc. Càng khó hơn khi tùy thuộc từng trận đấu, Molina (hoặc Merlo) mới được sử dụng để hợp thành bộ đôi tấn công với Almeida.

Cho nên, những bàn thắng của SHB Đà Nẵng vẫn phụ thuộc không nhỏ vào phong độ của cầu thủ này. Và nỗi lo càng lớn hơn một khi Almeida vắng mặt trên hàng công của SHB Đà Nẵng, song cho đến bây giờ, SHB Đà Nẵng vẫn chưa tìm được giải pháp cần thiết nào để cải thiện hàng công.

Với Lê Huỳnh Đức, những nỗ lực để lối chơi của SHB Đà Nẵng không được xem là mặc định với “Almeida làm trung tâm” cũng chỉ đang trong giai đoạn kiếm tìm. Những thử nghiệm với các miếng đánh trung lộ bằng các pha phối hợp đoạn ngắn, ít chạm… mới ở mức thử nghiệm và chưa mang lại nhiều hiệu quả. Đồng thời, khi Quốc Anh đạt phong độ đỉnh cao, bài đánh biên hẳn sẽ không bị phí hoài. Ngay cả bàn thắng duy nhất - để mang lại trận thắng duy nhất sau 3 vòng đấu của V-League 2009 của SHB Đà Nẵng - cũng bắt nguồn từ một pha tạt từ biên và do chính Almeida lập công.

Bất kỳ một đội bóng nào cũng cần thiết có một vài ngôi sao thực sự và có khả năng làm xoay chuyển trận đấu trong một vài khoảnh khắc lóe sáng. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc SHB Đà Nẵng chỉ dựa vào “chân tiền” Almeida như bấy lâu nay. Trong lúc đó, việc tuyển chọn những nhân tố mới sẽ chứa đựng ít nhiều may - rủi khi những người mới đến vẫn còn cần thời gian để có sự hòa nhập cùng lối chơi toàn đội cũng như khả năng hỗ trợ cho mũi nhọn còn lại trên hàng tấn công.

Vì thế, bài toán hàng công đang là một thử thách rất lớn với Lê Huỳnh Đức trong chặng đường còn lại của mùa giải này. Nếu không tìm ra lời giải, con đường phía trước của SHB Đà Nẵng sẽ còn lắm gian nan, một khi "sát thủ" Almeida vắng mặt.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.