.

Nhập gia không… tùy tục

.

Giải thích trên báo chí về chuyện kết thúc sớm hợp đồng với huấn luyện viên Alfred Riedl, Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Xi măng Hải Phòng nêu một trong những lý do khiến nhà cầm quân người Áo này bị loại là ở chỗ, ông không hiểu được bóng đá Hải Phòng. Chưa biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong nhận định của người đứng đầu câu lạc bộ nhưng xem ra lời lẽ bộc trực này phơi bày  một thực tế khá đau lòng với bản thân ông Riedl, một chuyên gia gắn bó lâu năm với bóng đá Việt Nam, đến nỗi có thời người ta gắn cho ông biệt danh “ người hiểu bóng đá Việt Nam hơn cả nhiều chuyên gia có cỡ của làng bóng nước này”.

Ông Alfred Riedl cùng trợ lý của mình khi còn ở đội bóng Xi-măng Hải Phòng.

Tất nhiên “hiểu bóng đá Việt Nam” chưa hẳn bao hàm chuyện  hiểu bóng đá cụ thể ở một vùng đất như Hải Phòng và khái niệm hiểu mà vị chủ tịch câu lạc bộ đề cập đến có thể khác rất nhiều so với ý nghĩa thông thường của từ hiểu mà ta thường gặp. Có lẽ người đứng đầu câu lạc bộ Xi măng Hải Phòng muốn nhắc đến khía cạnh tâm lý sâu xa của một vùng đất say mê bóng đá, khao khát danh hiệu.
 
Và sự hiểu biết của một chuyên gia được kỳ vọng giúp vực dậy tiềm năng bóng đá của một xứ sở, một vùng đất chỉ có giá trị thiết thực khi người ấy biết sống và chiến đấu hết mình cho khát vọng và niềm đam mê ấy. Dù được kỳ vọng rất nhiều, nhưng ông Riedl không đáp ứng được, chưa chứng tỏ được rằng ông là người sống chết với tình yêu của người hâm mộ Hải Phòng, thể hiện qua thành tích nghèo nàn ở 3 lượt đấu đầu tiên và, vì thế, chia tay là chuyện không tránh khỏi!

Những người đem tiền thuê ông Riedl có thể lập luận như thế, nhưng trong sâu xa, không ít khán giả hâm mộ bóng đá Việt Nam chia sẻ với một chút ngậm ngùi cùng chuyên gia người Áo về nỗi đắng cay nghiệp dĩ. Đòi hỏi ông Riedl- hoặc bất cứ chuyên gia nước ngoài nào khác- có chung đam mê, khát vọng chiến thắng để tận lực hành xử trách vụ theo cung cách chuyên nghiệp là chuyện không khó nhưng sẽ chẳng dễ chút nào khi buộc ông phải hiểu hết các ngóc ngách bóng đá xứ sở này để lèo lái một cách quyền biến hành trình thi đấu của một câu lạc bộ tại giải bóng đá ẩn chứa vô vàn bất trắc như V- League.

Với một nền bóng đá tập tễnh bước vào con đường chuyên nghiệp nhưng chưa thoát hẳn các ám ảnh quá khứ với nhiều tì vết nhức buốt của nạn liên minh, móc ngoặc, bắt tay chia điểm, các phương thức điều hành chuyên nghiệp theo dạng máy móc, bài bản đôi lúc không mang lại hiệu quả. Chả thế mà có người từng đúc kết rằng muốn dẫn dắt thành công một đội bóng, một huấn luyện viên chỉ có thực tài không thôi thì chưa đủ. Cái cần bổ sung- theo đúc kết này- là phải có đủ bản lĩnh và cả sự ma mãnh để hành xử theo cách “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.
 
Lịch sử các mùa giải đã qua phơi bày không ít bài học đắng cay về thất bại của những huấn luyện viên không biết tuỳ thời, quá ỷ lại vào tài năng và sự minh bạch của bản thân mà xem thường sức mạnh từ chuyện liên minh, phe nhóm. Nhiều huấn luyện viên hẳn không quên nỗi cô đơn trong hành trình nghề nghiệp của bản thân mình ngay trong lòng đội bóng, hoặc nỗi ám ảnh khủng khiếp trong những lần bị đánh “ hội đồng” kinh hồn bạt vía.

Có thể hành trình sớm đứt đoạn của ông Riedl- và một phần nào đó của Dusit ở câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai- bắt nguồn từ năng lực còn hạn chế của họ trong việc thích nghi với làng bóng xứ sở này. Ở mức độ nào đó, có thể gọi họ là những nhà cầm quân nhập gia nhưng không kịp tùy tục, dù trong đó có những cái tục chẳng hay ho gì mà nền bóng đá xứ sở này đang cố vẫy vùng để thoát ra trên đường dài chuyên nghiệp hóa.

Nguyễn Đình Xê
 

;
.
.
.
.
.