.

Tiếng còi và số phận của các đội bóng

.

Chuẩn bị cho mùa giải 2009, cho dù Hội đồng Trọng tài quốc gia (HĐTTQG) rất quan tâm và nỗ lực xây dựng lực lượng trọng tài trẻ với mục tiêu bổ sung lực lượng cho đội ngũ các “ông Vua sân cỏ”, nhưng chỉ sau 3 vòng đấu, chất lượng trọng tài lại khiến lắm CLB phải “vò đầu, bứt tóc”.

Pha vào bóng bằng gầm giày của Văn Pho dẫn đến chấn thương cho Almeida nhưng không được trọng tài Phùng Đình Dũng xử lý.

Ngay ở vòng 1, V.League 2009, cái tên Vũ Bảo Linh sớm trở thành nỗi ám ảnh với Thể Công. Một pha kéo người trong khu 16,50 mét của hậu vệ T&T Hà Nội với tiền vệ Rafael khá rõ và đương nhiên sẽ có một quả phạt đền cho Thể Công, thế nhưng, với trọng tài Vũ Bảo Linh, không có một quả 11 mét khiến toàn đội Thể Công không kiềm chế được sự bất bình. Cũng ở vòng 1, HLV trưởng SHB Đà Nẵng Lê Huỳnh Đức buộc phải lên tiếng khi trọng tài Đặng Thanh Hạ khá… hào phóng trong việc sử dụng thẻ phạt với đội chủ nhà!

Mới đây nhất, trọng tài Phùng Đình Dũng không đủ dũng cảm để phạt thẻ vàng - đồng nghĩa với quả phạt đền cho SHB Đà Nẵng - khi trung vệ Văn Pho (Hoàng Anh Gia Lai) phạm lỗi với tiền đạo Almeida (SHB Đà Nẵng) trong vùng cấm địa. Chưa kể đến hàng loạt tình huống mà trọng tài này khá nhẹ tay trước lối đá vượt khỏi khuôn khổ luật của tiền vệ Đoàn Văn Sakda của đội chủ nhà Hoàng Anh Gia Lai.


Ở vòng 3 trong khuôn khổ giải hạng nhất, trọng tài Nguyễn Tấn Hải và trợ lý 2 Phạm Văn Lương không chỉ khiến đội khách Nhựa Hoa Sen Quảng Nam mà ngay cả khán giả Bình Định hết sức bất bình. Phút 23, do lỗi dùng tay chơi bóng trong vùng cấm của hậu vệ Đình Long (23), Quảng Nam đã bị phạt đền song hậu vệ này lại… thoát khỏi chiếc thẻ vàng. Sau đó, phút 62, từ một pha phát bóng từ sân nhà, tiền vệ Jefferson lao xuống đánh đầu qua tầm tay thủ môn Tô Vĩnh Lợi (Bình Định), đưa bóng vào lưới đội chủ nhà. Trọng tài Nguyễn Tấn Hải thay đổi quyết định, không công nhận bàn thắng khi trợ lý Phạm Văn Lương đã căng cờ báo cầu thủ đội khách ở vào thế việt vị.

Giám đốc Kỹ thuật Nhựa Hoa Sen Quảng Nam Trần Vũ bức xúc: “Chúng tôi không khiếu nại nhưng đề nghị HĐTTQG “mổ băng” để xem lại tình huống này khi trọng tài và trợ lý đã có hai quyết định khác nhau”. Giám sát trọng tài Phạm Phú Hùng cho biết: “Sau trận đấu, chúng tôi có trao đổi cùng trợ lý 2 và được biết, trước khi bóng được chuyền đi, cầu thủ Quảng Nam đã ở vào thế việt vị. Dù vị trí quan sát của trợ lý 2 có tính thuyết phục nhất song chúng tôi cũng có đề nghị Ban tổ chức xem lại tình huống để có hướng xử lý chính xác nhất”. Điều đáng nói, rất đông các phóng viên theo dõi trực tiếp trận đấu đều thừa nhận pha ghi bàn của Jefferson hoàn toàn hợp lệ.

Trọng tài Tấn Hải đã bộc lộ sự yếu kém về chuyên môn trong trận Bình Định - Quảng Nam.

Trước đây, khi nhận xét về công tác trọng tài, Giám đốc Kỹ thuật Hoàng Anh Gia Lai Nguyễn Văn Vinh và HLV Lê Thụy Hải đều cùng nhận xét, không ít trọng tài sẵn sàng xử lý nặng các cầu thủ chủ nhà để không bị mang tiếng thiên vị. Hơn nữa, một bộ phận trọng tài không ngần ngại sử dụng thẻ phạt khá thoải mái để… chứng tỏ quyền lực của mình. Trong lúc đó, Chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi vẫn bảo vệ quan điểm: “Trọng tài cũng là con người và sai sót của trọng tài cũng là một phần của cuộc chơi”.

Không phủ nhận, trọng tài vẫn được phép có những lỗi về nhận định nhưng cũng không thể lấy “lỗi nhận định” để phủ lấp những định kiến, thậm chí những toan tính cho bất kỳ một cá nhân nào. Bởi, chỉ cần một tiếng còi lệch, số phận của một đội bóng có thể bị ảnh hưởng rất lớn khi sự khắc nghiệt của cuộc chơi đang ngày mỗi tăng dần.

Nếu bàn thắng của Quảng Nam được công nhận, nếu pha vào bóng của Văn Pho khiến Almeida chấn thương được xử lý nghiêm, nếu cú đẩy người của hậu vệ T&T Hà Nội với Rafael (Thể Công) không bị bỏ qua hay pha ghi bàn của Sĩ Mạnh cho Ninh Bình vào lưới Hòa Phát Hà Nội không bị từ chối… hẳn diễn biến của cả V-League lẫn giải hạng nhất đã thay đổi.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.