.

Trọng tài

.

“Chúng tôi không hề bị Arsenal đánh bại. Thủ phạm loại chúng tôi ở vòng tứ kết này chính là trọng tài Ridley và viên trợ lý của ông ta, qua quyết định công nhận bàn thắng không hợp lệ của hậu vệ Gallas!”. Với tất cả bức xúc, huấn luyện viên Phil Brown của câu lạc bộ Hull City đã khẳng định như thế sau trận tứ kết cuối cùng cúp FA trên sân Emirates rạng sáng 18-3 (giờ Việt Nam), một trận đấu càng lúc càng nát vụn vì tính chất thô bạo giữa cầu thủ hai đội và vì tiếng còi của trọng tài có phần thiên lệch về đội chủ nhà.

Trọng tài - người cầm cân nẩy mực, người quyết định sự thành bại của một trận đấu bóng đá.(Ảnh minh họa)

Trong một đêm Emirates đầy căng thẳng dưới sức ép của gần 55 ngàn cổ đông viên đội bóng thành London, ông Ridley dường như không giữ được bản lĩnh và sự tỉnh táo cần thiết để điều khiển một trận cầu mà tính chất sống còn của nó ngay từ đầu đã tạo nên đủ thứ căng thẳng. Đặc biệt, không biết cơ man nào là thẻ vàng đã được ông rút ra trừng phạt các lỗi vào bóng ác ý của cầu thủ hai đội, sau khi đội khách vươn lên dẫn trước.
 
Tính quyết liệt và sự căng thẳng cứ thế tiếp diễn ngay cả khi trọng tài đã nổi còi mãn cuộc. Phil Brown và Asenge Wenger - huấn luyện viên của Arsenal - không thèm bắt tay nhau sau trận đấu, lời qua tiếng lại nổ ra giữa thành viên hai đội trong đường hầm rời sân và Cesc Fabregas - cầu thủ còn trong giai đoạn dưỡng thương của Arsenal - bị tố cáo là đã nhục mạ trợ lý huấn luyện viên đội khách - ông Brian Horton…

Bị đánh gục bởi trọng tài, tiếng còi méo mó của vua áo đen, sự non kém của các nhà cầm cân nẩy mực đã làm hỏng trận đấu… Những câu đại loại như thế chẳng còn xa lạ trên sân cỏ, bất kể đó là những cuộc thư hùng đỉnh cao diễn ra ở sân chơi tiên tiến và chuyên nghiệp như Giải ngoại hạng Anh hay cúp FA. Nhìn rộng hơn, lời ta thán, tiếng phàn nàn trách cứ các ông vua sân cỏ còn diễn ra ở cả những giải đấu danh giá mang tầm quốc tế như Champions League, EURO, vòng chung kết World Cup.
 
Đã, đang và chắc chắn sẽ còn nhiều ai oán hướng về trọng tài chừng nào trái bóng còn lăn và chừng nào luật chơi của bóng đá còn tiếp tục sử dụng các phán quan sân cỏ. Làm sao thoát khỏi điều ấy khi mà trọng tài cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt, các giác quan của họ cũng không ưu việt bao nhiêu so với giác quan của người bình thường. Làm sao tránh khỏi những oan khiên, bất bình và nghiệt ngã khi chính sân cỏ đã thừa nhận sai lầm của trọng tài cũng là một phần của cuộc chơi!

Vào lúc nhà cầm quân Hull City ở Anh ta thán trọng tài khiến đường đi sâu vào cúp FA của họ gãy gánh giữa chừng, báo chí Tây Ban Nha đổ lỗi một phần cho trọng tài về thất bại của Real Madrid trước Liverpool ở Champions League (không thổi phạt Torres xô ngã hậu vệ Pepe trước khi anh này ghi bàn mở tỷ số, lại còn cho đội chủ nhà hưởng thêm một quả phạt đền khi bóng chỉ trúng vai hậu vệ Heinze) thì ở Việt Nam, sân cỏ V-League và Giải hạng nhất cũng vang lên vô số lời ta thán của nhiều đội bóng về sự yếu kém, thiên vị và thậm chí - theo họ - sự vô cảm đáng báo động của các nhà cầm cân nẩy mực. Có đội bóng đã thống kê trình tự các trường hợp ác ý của trọng tài đối với mình để cảnh báo về một âm mưu có hệ thống mà các vua sân cỏ hướng về phía họ và dọa sẽ không ra sân dưới sự điều khiển của các trọng tài này.

Chẳng biết điều này có hợp với cung cách bóng đá chuyên nghiệp và tiếng kêu cứu của họ có đủ sức lay chuyển cách ứng xử của các nhà điều hành hai giải bóng đá lớn nhất nước trong những ngày tới? Thêm một lần bộc lộ những yếu kém của đội ngũ cầm cân nẩy mực kéo theo phản ứng của các đội bóng, thêm một lần tay nghề của các nhà điều hành bị trắc nghiệm. Cũng vì vậy, thêm một lần chất chuyên nghiệp của V-League bị thách thức!

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.