.
Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Quốc gia Nguyễn Văn Mùi

Trách nhiệm, không chỉ của trọng tài

.

Sau 7 lượt đấu V-League và giải hạng nhất quốc gia 2009, có không ít lời ca thán về công tác trọng tài; cả kẻ thắng lẫn người thua. Công luận từng lên tiếng với mong muốn đội ngũ trọng tài cần phải có cái Tâm lẫn kỹ thuật khi điều hành các trận đấu, không để tiếng còi của mình ảnh hưởng đến số phận các đội bóng và của cả những nhà cầm quân. Nhận xét về công tác trọng tài, Chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi đã có những phân tích như sau:

 .

Sau 7 lượt trận, HĐTTQG và Ban tổ chức đã xem xét, xử lý và thông báo nội bộ về một số trường hợp sai phạm trong điều hành của trọng tài. Ở đây cần nhận thấy, sai sót trong điều hành bóng đá là điều khó tránh.

Qua đánh giá sơ lược, sai sót của trọng tài tựu trung do vị trí quan sát không tốt, thiếu tập trung trong một số tình huống cụ thể và khả năng phân tích tình huống dẫn đến sai lầm trong nhận định. Tuy nhiên, một số trọng tài có những sai phạm đã được xử lý thỏa đáng. Ngược lại, không hẳn những phản ứng từ các đội bóng hoàn toàn chính xác.

Chẳng hạn trận đấu Xi măng Hải Phòng - Thanh Hóa. Chúng tôi làm giám sát đã nhận thấy tổ trọng tài làm tốt việc công nhận bàn thắng không để ảnh hưởng đến kết quả trận đấu; trong đó có việc từ chối bàn thắng được ghi trong thế việt vị của đội chủ nhà. Với bàn thắng của Moses nâng tỷ số lên 2-0 cho Quân khu 4 trước Hoàng Anh Gia Lai, góc quay của truyền hình không chứng minh cầu thủ này việt vị. Vì thế, chúng tôi đang chờ băng ghi hình kỹ thuật của Ban tổ chức để xác định chính xác hơn tình huống này và nếu trọng tài sai sót, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý.

- Nhưng trước và trong giải, HĐTTQG cũng đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho trọng tài. Vậy, phải chăng hiệu quả các đợt tập huấn này không cao chăng, thưa ông?

* Sẽ không thể có việc tập huấn nhiều thì công tác trọng tài sẽ tốt hơn. Ở đây, yếu tố con người vẫn mang tính quyết định. Trong các lớp tập huấn được giảng dạy bởi chuyên gia FIFA hay AFC và có phân tích các tình huống cụ thể. Nhưng rõ ràng, khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế vẫn còn khá lớn.
Cũng không thể quên rằng, một trọng tài muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cần phải có sự bảo đảm an ninh tuyệt đối ở các sân bóng, ứng xử của khán giả và đội bóng với trọng tài. Sẽ khó có trọng tài nào có thể hoàn thành tốt việc điều hành nếu thường xuyên bị khán giả đe dọa, lăng mạ cùng với những phản ứng quá khích từ một số cầu thủ trên sân.

- Nghĩa là, để một trận đấu diễn ra và kết thúc tốt đẹp, phải cần sự tương tác từ nhiều phía?

Để nâng cao chất lượng một trận đấu, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm từ đội ngũ trọng tài.

* Trước tiên, với những sai phạm của các trọng tài, chúng tôi kiên quyết xử lý, không bao che nhưng vẫn tuân thủ quy định của FIFA khi chỉ có những thông báo nội bộ. Và chính thái độ nghiêm túc, quyết liệt như thế, chúng ta mới có thể nâng cao chất lượng giải đấu, chất lượng trận đấu. Dù hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn về chất lượng trọng tài, song không vì thế mà chúng tôi nương nhẹ những sai phạm. Để chuẩn bị tốt lực lượng trọng tài cho giải đấu, khi kết thúc giai đoạn 1, khoảng 30 trọng tài tốt nhất sẽ được giảng viên FIFA sang giúp nâng cao chuyên môn và sẽ rút kinh nghiệm từ những tình huống cụ thể qua băng hình.

Mặt khác, nếu các đội bóng đều có văn hóa ứng xử trên sân tốt sẽ giúp cho các trọng tài thuận lợi hơn trong công tác điều hành và góp phần nâng cao chất lượng các trận đấu. Điều này đồng nghĩa với việc các đội bóng cần quan tâm hơn đến công tác giáo dục các thành viên của mình. Có như thế, bóng đá đẹp mới được đề cao. An ninh các trận đấu cũng cần được quan tâm hơn mới giúp các trọng tài có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Cho nên, để nâng cao chất lượng trận đấu, chất lượng giải đấu, trách nhiệm không chỉ từ các trọng tài…

BẢO AN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.