.
Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV thành phố Đà Nẵng Đặng Đông Hải:

Thu hút nhân tài là cần thiết, nhưng...

.

Trong những năm qua, cùng với chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” của thành phố, ngành TDTT Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc thu hút các tài năng trong lĩnh vực TDTT. Theo Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV thành phố Đà Nẵng Đặng Đông Hải, chính sách thu hút nhân tài là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, trong lĩnh vực TDTT, việc thu hút những tài năng thể thao - đặc biệt là lực lượng VĐV -không phải là giải pháp căn bản lâu dài để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thể thao Đà Nẵng. Ông Hải cho biết:

 

- Đến thời điểm này, chúng ta đã thu hút được hơn 30 VĐV xuất sắc của gần 10 đơn vị về đầu quân cho Đà Nẵng. Những VĐV này có thành tích tối thiểu là vô địch quốc gia. Đối với lực lượng HLV, chúng ta mới chỉ mời về được 5 người, nhưng thành tích chưa thật cao do chế độ lương chưa đủ sức thuyết phục những HLV hàng đầu của quốc gia cũng như các chuyên gia giỏi nước ngoài. Hiện nay, lương của một HLV trong nước chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tháng và lương chuyên gia nước ngoài ở mức 1.000-1.500 USD/tháng.

Với các VĐV, tuy chưa phải quá cao, nhưng so với nhiều địa phương, mức lương 3-5 triệu đồng/tháng đối với VĐV vô địch quốc gia và 6-10 triệu đồng/tháng với VĐV giành huy chương Đông Nam Á và châu Á... của ngành TDTT thành phố là có thể chấp nhận được. Riêng với những VĐV giành huy chương thế giới, chúng tôi có đề xuất cụ thể cho từng trường hợp.

* Đến nay, những tài năng thể thao được tuyển mộ đã đóng góp cho thể thao thành tích cao của Đà Nẵng như thế nào?

- Ông Đặng Đông Hải:
Hiện nay, đa số các môn thể thao được sự giúp đỡ của các chuyên gia đều phát triển tốt và trở thành những môn mũi nhọn của thể thao thành tích cao Đà Nẵng.

Lê Huỳnh Đức trở thành VĐV đầu tiên đến với thể thao Đà Nẵng từ chính sách thu hút nhân tài (ảnh trên). Và Hoàng Anh Tuấn (ảnh dưới) không chỉ làm rạng danh Thể thao Việt Nam mà còn vinh danh Thể thao Đà Nẵng với tấm HCB Olympic Bắc Kinh 2008.

Trong lúc đó, ngoài việc giành huy chương tại đấu trường trong nước, khu vực, châu Á hay thế giới, các VĐV về đầu quân cho thể thao Đà Nẵng đều là tấm gương để các VĐV trẻ học hỏi và phấn đấu. Một số em còn tham gia huấn luyện trong vai trò trợ lý, có thể trở thành những HLV giỏi trong tương lai như Hoàng Anh Tuấn (Cử tạ), Lưu Văn Hoàn (Canoeing), Lê Thị Hồng Ngoan (Silat)... Với các VĐV này, nếu có nguyện vọng cống hiến lâu dài, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các em theo học Đại học TDTT (hình thức vừa học, vừa tập luyện thi đấu) để các em đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp TDTT của thành phố.

Chính sách thu hút nhân tài trong thể thao là một trong những việc làm cần thiết để đưa thể thao Đà Nẵng tiến kịp các trung tâm thể thao mạnh của cả nước. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn bản, lâu dài bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thể thao Đà Nẵng. Vì vậy, bên cạnh chính sách thu hút nhân tài bằng những chế độ đãi ngộ cao, chúng ta vẫn phải quan tâm đến lực lượng VĐV “gốc” Đà Nẵng.

 .

Lãnh đạo Trung tâm HL-ĐT VĐV luôn quan tâm đến việc nâng cao chế độ (tiền ăn, tiền thuốc, tiền công, tiền thưởng...) cho VĐV. Chúng tôi luôn cố gắng duy trì khoảng chênh lệch giữa VĐV “ngoại” và “nội” ở mức có thể chấp nhận để tránh những tác động tiêu cực. Mặt khác, với những VĐV “nội” xuất sắc, chúng tôi đã đề xuất với các cấp lãnh đạo cho các em được hưởng chế độ phụ cấp trọn 1 năm, căn cứ vào thành tích đạt được của năm trước. Dự kiến, một VĐV giành HCV vô địch quốc gia trở lên sẽ có mức trợ cấp 2.000.000 đồng/tháng.

Với những nỗ lực của mình, chúng tôi hy vọng, thể thao Đà Nẵng có thể gặt hái được những thành tích khả quan ở mùa thi đấu 2009, làm tiền đề cho những thành công tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) được tổ chức ngay tại thành phố của chúng ta.

NGUYÊN AN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.