.

Lỗ hổng

.

Lỗ hổng là từ mới nhất mà người đứng đầu nền bóng đá Việt Nam- Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ - vừa dùng đến để ta thán về thực trạng đáng báo động về bạo lực và các hành vi kém văn hóa của sân cỏ hiện nay.

Bóng đá Việt Nam cần phát triển theo tiêu chí tiên tiến, văn minh, hiện đại. (Ảnh tư liệu)

Bức xúc trước hiện tượng không lành mạnh liên tiếp diễn ra gần đây trong nội tình các đội bóng - đồng đội gây gổ hiềm khích nhau dẫn đến chuyện đe dọa, hành hung nhau - và trên sân bóng - cổ động viên dùng lời lẽ châm chọc tục tĩu, quá khích, thậm chí ném đầu chó xuống sân nhục mạ cầu thủ đối phương - ông Hỷ thừa nhận nhiều lần mình không muốn đến các sân bóng vì ngại phải chứng kiến những hành vi thô tục làm hoen ố sân cỏ.

Điều đau xót hơn cả, theo ông Hỷ, là các hành vi kém văn hóa và những lời lẽ tục tĩu, hằn học ấy lại xuất hiện thường xuyên tại một sân bóng có truyền thống văn minh, lịch lãm ở ngay thủ đô Hà Nội như sân Hàng Đẫy. Người đứng đầu làng bóng Việt Nam chỉ ra rằng những vụ việc gây tai tiếng và làm méo mó gương mặt bóng đá ấy xuất phát từ hai lỗ hổng: lỗ hổng trong quản lý ở cấp câu lạc bộ và lỗ hổng trong nhân cách, lối sống cầu thủ.

Từ nhân vật giữ cương vị cao nhất lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam dường như đã bắt đầu xuất hiện cái nhìn thực tế vào mặt trái của nền bóng đá nước nhà, sau những hào quang bước đầu trên đấu trường khu vực. Sự thức tỉnh ấy, dù có đôi phần muộn màng, vẫn đáng được ghi nhận như là một trong những bước khởi đầu của tiến trình chấn chỉnh hướng đến một sân cỏ lành mạnh, không tỳ vết. Và công chúng bóng đá Việt Nam, trong nỗi khát khao được thấy nền bóng đá nước nhà phát triển đúng hướng theo các tiêu chí tiên tiến, văn minh, hiện đại, có quyền chờ đợi cách hành xử trực tiếp, mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo VFF đối với các biểu hiện phi thể thao đang ở mức báo động.

Thực ra, phát hiện của nhà lãnh đạo cao nhất ở bộ máy điều hành bóng đá về các lỗ hổng đang trì kéo con thuyền bóng đá Việt Nam không hề mới, bởi trên thực tế, năm nào các nhà chuyên môn có tâm huyết cũng nhiều lần nhắc nhở điều này như một cảnh báo thường trực với các cơ quan có trách nhiệm.
 
Có người đã chỉ ra rằng căn bệnh chạy theo thành tích trước mắt, thói làm bóng đá theo kiểu ăn xổi ở thì đã vẽ nên hình ảnh một nền bóng đá xây nhà từ nóc, đầy nguy cơ, nhiều rủi ro và tất nhiên không thể là nền tảng cho những kế hoạch bài bản với tầm nhìn xa về phía trước. Trong cuộc chạy đua hỗn loạn và ào ạt ấy, ngất ngưỡng bóng dáng kênh kiệu của vài ông chủ câu lạc bộ mới chân ướt chân ráo làm quen với trái bóng, song đã vội vỗ ngực xưng tên như những nhà làm bóng đá chuyên nghiệp.

Chính họ, qua thói chạy theo danh tiếng hão huyền trước mắt nhằm đánh bóng thương hiệu, đã khoét rộng thêm ra những lỗ hổng trong quản lý ở cấp câu lạc bộ, đồng thời xem thường khía cạnh phát triển về mặt nhân cách, phẩm chất trong bản thân cầu thủ, đặc biệt là thế hệ cầu thủ trẻ. Những ông chủ ngông nghênh này vốn có cái nhìn lệch lạc về các giá trị chân chính của sân cỏ, coi trọng việc quảng bá thương hiệu ích kỷ, riêng tư mà xem nhẹ hay xao nhãng việc chăm lo phần hồn cầu thủ, vốn là yếu tố tạo nên cái đẹp nhiều chiều của sân cỏ. Cái nhìn sai lệch của đầu tàu kéo theo những sơ hở, buông lỏng trong đào tạo, huấn luyện cầu thủ, một nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ngôi sao và sự tha hóa tâm hồn ở một bộ phận cầu thủ.

Quả là, như lời trần tình của người đứng đầu VFF, một mình cơ quan này không thể khỏa lấp xuể các lỗ hổng đang bày ra như một thách thức sống còn đối với tương lai làng bóng nước nhà. Công cuộc chấn chỉnh làng bóng, đưa nó trở về với các giá trị đích thực, lành mạnh cần sự góp tay của toàn xã hội, trước hết từ nỗ lực tự thân của các đội bóng, các sân bóng; những xoay chuyển trước hết phải bắt nguồn từ y chí, nhiệt huyết của cầu thủ, huấn luyện viên, từ thiện chí của giới chủ câu lạc bộ…

Nhưng sẽ vô nghĩa và thật tai hại nếu một số nhà điều hành ở VFF tiếp tục chỉ nói mà không làm. Hơn bao giờ hết, lúc này họ phải thể hiện rõ nét tính chất của một tấm gương nói và làm vì nhu cầu phát triển bức thiết của sân cỏ nước nhà.

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.