.

Nỗi lo giữ chân tài năng thể thao

.

So với nhiều địa phương trong cả nước, Đà Nẵng đã có những chính sách thiết thực trong việc thu hút nhân tài; đặc biệt, trong lĩnh vực TDTT. Nhờ đó, những Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), Huỳnh Phương Đài Trang (tennis), Lưu Văn Hoàn (canoeing)... lần lượt đầu quân cho Thể thao Đà Nẵng. Không ít trong số đó đã góp phần làm rạng danh Thể thao Việt Nam cũng như Thể thao Đà Nẵng trên đấu trường quốc tế. Những kết quả ấy khẳng định, chính sách thu hút nhân tài thể thao là đúng đắn và rất cần thiết để tạo nền tảng và động lực phát triển cho tương lai.

Những tài năng của thể thao Đà Nẵng như Ngọc Ly rất cần được quan tâm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng “chảy máu” tài năng.

Cùng lúc đó, công tác đào tạo của Thể thao Đà Nẵng cũng đã gặt hái được rất nhiều thành quả đáng tự hào. Chỉ trong năm 2008, các VĐV Đà Nẵng đã mang về cho quê hương 30 HCV, 44 HCB, 67 HCĐ, lập hàng chục kỷ lục quốc gia cùng 70 lượt VĐV đạt danh hiệu kiện tướng… tại các giải vô địch toàn quốc. Nổi lên trong số đó là “kình ngư” Hoàng Quý Phước hay “những cô gái Vàng” của đội tuyển điền kinh như Ngọc Ly, Thanh Phúc, Nhật Thanh...Tuy nhiên, trong những niềm vui ấy, vẫn không ít nỗi lo đã xuất hiện. Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Đặng Đông Hải bộc bạch:

- Xuất phát từ quan điểm chuyên nghiệp hóa thể thao, việc VĐV đến và đi theo các bản hợp đồng đang rất phổ biến. Vì thế, chúng tôi rất lo lắng trong việc giữ chân những VĐV tài năng được thu hút về cũng như những VĐV tài năng của Đà Nẵng. Đến lúc này, một số VĐV được chuyển nhượng đã bộc lộ ý định ra đi sau khi kết thúc hợp đồng. Bên cạnh đó, một số VĐV xuất sắc của Đà Nẵng cũng đang được các đơn vị khác chào mời với nhiều đề nghị được xem là hấp dẫn...

Dù đã có rất nhiều nỗ lực, song bắt nguồn từ những bất cập do cơ chế, đến nay, ngành TDTT và Trung tâm HL-ĐT VĐV vẫn loay hoay trong việc giữ chân những tài năng thể thao. Theo ngành TDTT, đối với những VĐV lứa tuổi nhỏ được tuyển sinh, nuôi dưỡng và đào tạo được ràng buộc bởi những hợp đồng với thời hạn tương đối dài thì ngược lại, ngành TDTT khó có những ràng buộc tương tự với những VĐV tài năng đã trưởng thành.

Xuất phát từ những quy định về luật và các chính sách, các VĐV đều không có lương - ngoài số VĐV được chuyển nhượng - mà toàn bộ thu nhập được tính từ tiền ăn + tiền công tập luyện với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Để động viên các VĐV và cũng với mục tiêu nâng cao mức sống cho những VĐV xuất sắc, ngành TDTT đã đề xuất thành phố về chế độ đãi ngộ hằng tháng với mức thưởng 2 triệu đồng cho các danh hiệu vô địch quốc gia. Như thế, với khoản thu nhập tương ứng 7 triệu đồng mỗi tháng, một VĐV có thể có được cuộc sống tương đối ổn định.

Hiện nay, ngành TDTT đang đề ra 3 giải pháp để giữ các tài năng thể thao. Trong đó, quan trọng nhất là việc từng bước nâng chế độ cho các VĐV xuất sắc và rút ngắn khoảng cách về thu nhập với các VĐV chuyển nhượng. Ngành TDTT cũng đang đề xuất những ràng buộc pháp lý với những VĐV xuất sắc, đủ tuổi lao động, thông qua hợp đồng lao động. Có như thế, các VĐV xuất sắc được tập trung đội tuyển quốc gia không mất những quyền lợi như các tay vợt tennis nữ Phan Thị Thanh Bình hay Đỗ Đăng Thy. Mặt khác, chủ trương xã hội hóa từ sự tài trợ hằng tháng của các doanh nghiệp, tiến đến nuôi dưỡng lâu dài những VĐV xuất sắc cũng đã được đặt ra.

Nỗi lo về nguy cơ “chảy máu” tài năng thể thao đã có và ngành TDTT đang rất nỗ lực để bảo vệ các tài năng ấy. Nhưng lúc này, trách nhiệm gìn giữ tài năng, hẳn không chỉ là việc riêng của ngành TDTT Đà Nẵng...

BẢO AN

;
.
.
.
.
.