.

Trò chơi không vô hồn

.

Hàng rào an ninh thắt chặt, những gương mặt cầu thủ lạnh lùng, các quan chức có trách nhiệm không chịu hé răng, dù chỉ nói về khía cạnh kỹ thuật, cuộc chạm trán trên sân cỏ giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong khuôn khổ vòng loại World Cup bảng B khu vực châu Á phủ trùm không khí căng thẳng ngoài dự kiến của những người yêu bóng đá ngay trước giờ bóng lăn, khi đội khách đặt chân đến thủ đô Seoul.

Tiền vệ 25 tuổi Kim Chi Woo ghi bàn thắng duy nhất ở phút 88, giúp tuyển Hàn Quốc thắng CHDCND Triều Tiên 1-0 tại Seoul trong khuôn khổ vòng loại World Cup khu vực châu Á diễn
a ngày 1-4-2009. (Ảnh tư liệu)

Yoo Jee- Ho, cây bút bình luận của hãng AFP trong một bài viết ngày 1-4-2009 đã liên hệ không khí này với những căng thẳng xung quanh việc CHDCND Triều Tiên dự định thử tên lửa để dự báo về một cuộc đụng độ không êm thắm trên sân cỏ, không chỉ vì tính quyết định của ngôi đầu bảng mà còn vì những khía cạnh liên quan đến sắc áo màu cờ.

Và dù huấn luyện viên trưởng của cả hai đội đều đoan chắc rằng sẽ không có chỗ cho những gì nằm ngoài sân cỏ trong một trận đấu có tính quyết định cao đối với chiếc vé lọt vào vòng chung kết World Cup nhưng những người nhạy cảm vẫn không thể không nhắc lại những hục hặc diễn ra ở trận lượt đi tháng 6 năm ngoái. Lần ấy, chỉ vì chủ nhà CHDCND Triều Tiên từ chối việc cử quốc thiều và trưng quốc kỳ Hàn Quốc như một nghi thức vốn có trước lúc bóng lăn mà trận lượt đi buộc phải dời sang sân Thượng Hải - Trung Quốc.

Tính căng thẳng của trận đấu này gợi nhớ những cuộc đụng đầu giàu kịch tính mà sân cỏ thế giới từng chứng kiến khi CHDC Đức ngày trước gặp CHLB Đức, khi Argentina đối đầu với Anh sau sự kiện liên quan đến quần đảo Folkland, Manvinal khi Iran gặp Iraq hay Mỹ vào trận cùng Iran. Trong nhiều trường hợp, những cuộc đối đầu đặc biệt này không để lại những vết tích nhức buốt.

Tinh thần thượng võ, nét nhân văn, cái đẹp sân cỏ đã giành phần thắng, kịp thời xua tan những ám ảnh phi thể thao. Tuy vậy, vẫn có một số trận đấu còn để lại nhiều tỳ vết xuất phát từ sự thiếu kiềm chế của cầu thủ, cổ động viên hai phía, dẫn đến những hục hặc bên ngoài sân cỏ. May mắn cho người yêu bóng đá là những đám mây đen sân cỏ ít khi xuất hiện, bầu trời bóng đá thường vẫn xanh trong quyến rũ.

Sôi nổi, hào hứng, cuộc thư hùng giữa hai màu áo Triều Tiên chiều tối 1-4 đã kết thúc và chúng ta cũng nhận diện được đại biểu nào của bán đảo này có nhiều cơ hội giành vị trí dẫn đầu bảng B để trở thành những người sớm nhất có mặt ở mùa hè Nam Phi năm tới. Những người yêu bóng đá trên thế giới, tùy thuộc góc độ tiếp cận của mình, có thể tìm thấy từ trận đấu đặc biệt này nhiều xúc cảm.
 
Cảm xúc ấy hẳn sống động, nhiều sắc màu trong hàng chục triệu người dân sinh sống ở hai miền của bán đảo Triều Tiên. Hẳn là họ đang tìm thấy từ cuộc tranh tài của những cầu thủ cùng dòng máu nhưng trong hai màu áo khác nhau một thông điệp tình tự, nhiều thao thức với nụ cười, nước mắt đan xen…

Rút ngắn lại những khoảng cách dị biệt, xua tan đi những tị hiềm để con người cảm thông hơn, sống chan hòa nhau hơn cũng là một chức năng cao cả của sân cỏ. Không làm được diều này thì bóng đá chỉ là trò chơi vô hồn.

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.