.
BÁN KẾT LƯỢT VỀ CHAMPIONS LEAGUE 2008-2009­­

Nỗi oan nghiệt có tên Ovrebo

.

Chưa bao giờ không khí tại Stamford Bridge rơi vào cảnh hỗn loạn đến thế, ngay sau khi trọng tài nổi còi kết thúc trận bán kết lượt về giữa đội chủ sân Chelsea và Barcelona diễn ra vào rạng sáng 7-5 (giờ Việt Nam).
 

Drogba phản ứng dữ dội nhất với trọng tài Ovrebo và anh đang đối mặt với án phạt rất nặng từ UEFA.

Một năm trước, cú trượt chân của Terry trên chấm phạt đền khiến những giọt nước mắt nhuộm đẫm trên khuôn mặt của những cầu thủ lẫn ủng hộ viên “The Blues”. Đêm qua, lại những giọt nước mắt của người London mà ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh một cậu bé tức tưởi bởi sự oan nghiệt từ bóng đá. Nhưng lần này, nỗi oan nghiệt mang tên Tom Henning Ovrebo.

Chelsea hoàn toàn xứng đáng chiến thắng khi với một thế trận được xây dựng không thể hợp lý hơn bởi chiến thuật gia lão luyện Guus Hiddink, “The Blues” đã có quá nhiều cơ hội để kết thúc trận đấu dù họ chấp nhận nhường quyền kiểm soát bóng cho đối thủ. Thiếu vắng Henry, hàng công của Barca hầu như “tắt điện” khi Messi lẫn Eto’o đều nhạt nhòa trước một hàng phòng ngự có chiều sâu, được tổ chức rất chắc chắn của Chelsea.

Dường như tất cả đều ủng hộ đội chủ nhà khi Essien sớm mở tỷ số cho Chelsea từ phút thứ 9. Thế nhưng, có một người lại không ủng hộ “The Blues” mà đó lại chính là người có tác động mang tính quyết định - trọng tài Tom Henning Ovrebo (Na Uy)! Có không dưới 3 lần, ông vua sân cỏ này đã khước từ những quả phạt đền cho đội chủ sân Stamford Bridge. Không ngẫu nhiên khi cựu trọng tài nổi tiếng xứ sương mù Graham Poll bình luận trên Daily Mail: “Chelsea có thể được hưởng 4 quả phạt đền và chỉ cần tận dụng thành công một trong số đó, họ đã có thể vào chung kết”. Để rồi, bàn thắng muộn màng của Iniesta vào phút bù giờ thứ 3 đã đưa Barcelona “trở về từ cõi chết” và giành quyền vào chung kết nhờ luật bàn thắng trên sân đối phương.

Có thể hiểu được những sự tức giận đến điên cuồng của không ít cầu thủ Chelsea. Trong đó, tiền đạo Bờ biển Ngà Drogba đã không kiềm chế khi chỉ thẳng vào mặt Ovrebo và mạt sát: “Ông là đồ nhục nhã đáng vứt đi. Ông không xứng đáng được tôn trọng!”. Sau trận đấu, trọng tài Ovrebo cũng thừa nhận với các quan chức UEFA có mặt trong trận đấu này rằng, ông đã mắc một số sai lầm tương đối lớn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Drogba sẽ thoát khỏi án phạt rất nặng từ UEFA.

Trong lúc đó, HLV Guus Hiddink vẫn chưa hiểu tại sao Chelsea không được hưởng phạt đền: “Tất nhiên, cầu thủ có thể mắc sai lầm, HLV mắc sai lầm và trọng tài cũng có thể mắc lỗi nhưng lạ lùng là nó tái diễn quá nhiều lần trong một trận cầu đỉnh cao. Nếu phải chứng kiến 3 hay 4 lần trọng tài khoát tay từ chối những quả 11 mét hết sức rõ ràng, cam đoan đó là một trong những ông vua sân cỏ tồi nhất mà tôi từng biết. Bạn có quyền nghi ngờ về sự thiên vị của trọng tài, đặc biệt là trong trường hợp ông ta làm ngơ trước hàng loạt tình huống không thể chối cãi. Malouda đã bị phạm lỗi trong vòng cấm, vậy mà Chelsea lại được hưởng quả đá phạt bên ngoài. Hai pha bóng chạm tay của Pique và Eto’o ai cũng thấy, chỉ trừ Ovrebo”.

Thậm chí, hậu vệ Bosingwa khẳng định: “Trọng tài đã bị mua chuộc. Tôi không biết ông ta là trọng tài hay kẻ cắp. Bàn thắng của Barcelona hoàn toàn hợp lệ nhưng trước đó, trọng tài đã giết chết trận đấu. Tốt hơn, ông ta đừng bao giờ cầm còi trở lại”. Chắc chắn, nỗi đau này còn lâu mới nguôi ngoai với Chelsea khi những oan nghiệt của bóng đá dường như vẫn chưa buông tha “The Blues”. Thật tiếc!              

BẢO AN

;
.
.
.
.
.