.

Bất định và ổn định!

.

Chưa bao giờ, V-League lại xảy ra tình trạng bất định của hàng loạt “đại gia” như lượt đi mùa giải này. Cả đương kim vô địch Bình Dương, Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai (từng chia nhau ngôi vô địch ở 6 mùa giải gần nhất) đã rủ nhau lỗi nhịp. Và tất yếu, vị trí “thuyền trưởng” được thay thế. Cùng lúc, những đội bóng có nhiều tham vọng như Thể Công, Xi-măng Hải Phòng, T&T Hà Nội cũng loạng choạng suốt 13 trận đã đấu.

Sự ổn định về con người, lối chơi đã giúp SHB Đà Nẵng (áo quần sẫm) xứng đáng lên ngôi vô địch lượt đi.

Với những tên tuổi này, tiền bạc không phải là vấn đề lớn. Lực lượng cũng chẳng “thua chị, kém em”. Thậm chí, Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai... sở hữu những tên tuổi mà bất kỳ CLB chuyên nghiệp nào cũng thèm muốn. Ngược lại, dù không thiếu và chẳng tiếc tiền, nhưng cách đầu tư của T&T Hà Nội lại vô tình tạo nên sự phân cực nội bộ, dẫn đến những so bì giữa những “cựu binh” với những người mới đến. Thể Công cũng thất vọng với dàn ngoại binh kém chất lượng như thừa nhận của HLV Lê Thụy Hải.
Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là tình trạng “cầu thủ đá HLV” đã có thật, ở không ít CLB.

Chỉ sau 3 trận, HLV Riedl phải chia tay Xi-măng Hải Phòng. Sau đó, ông Vital buộc phải rời ghế HLV trưởng Bình Dương, Trần Công Minh và Dusit được thay bằng những “thuyền trưởng” ngoại. Gần cuối lượt đi, ông Vương Tiến Dũng lại chia tay Thể Công, nhường vị trí “thuyền trưởng” cho HLV Lê Thụy Hải nhưng lại được mời về nắm Xi-măng Hải Phòng.
 
Tại Nam Định cũng có sự “thuyên chuyển công tác” của HLV Nguyễn Ngọc Hảo từ sau thất bại kinh hoàng 1-5 trước Hoàng Anh Gia Lai. Đến lúc này, ngoài Xi-măng Hải Phòng có dấu hiệu phục sinh với 2 chiến thắng liên tiếp cùng sự khởi đầu lạc quan của một chu kỳ mới ở Thể Công, chỉ có Hoàng Anh Gia Lai tạo được ấn tượng đậm nét khi vươn lên vị trí thứ nhì sau lượt đi.

Là một đội bóng có thực lực và có rất nhiều ngôi sao, Hoàng Anh Gia Lai thăng tiến nhờ những cá nhân biết lóe sáng để thay đổi cục diện trên sân. Trong đó, phong độ ổn định của bộ đôi Thonglao - Lee Nguyễn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi 4 trận thắng liên tiếp vừa qua. Lee Nguyễn đã dần quen với sân chơi V-League khi đã biết né đòn, luồn lách, chơi tiểu xảo… để phù hợp với bóng đá Việt Nam. Người đồng đội Thonglao lại dần “hồi sinh” sau những tháng ngày chơi vật vờ. 

Dù đã có sự thay đổi HLV trưởng, Bình Dương (áo sẫm) vẫn chưa thể hiện được bản sắc của mình để vẫn chật vật ở nửa dưới bảng xếp hạng.

Ngôi đầu bảng của Đà Nẵng cũng bắt nguồn từ nền tảng được xây dựng khá vững chắc từ quá khứ. Cho dù đội hình 1 từng không ít mùa “có vấn đề” nhưng công tác đào tạo trẻ ở đây vẫn được duy trì có hệ thống. Đây chính là một trong những nguyên nhân giúp đội bóng sông Hàn sở hữu lực lượng rất có bề dày và đồng đều tại mùa giải này. Chất lượng ngoại binh tốt, chất lượng của nội binh cũng ngày một tiến bộ, lối chơi giàu tính đồng đội trên cái nền thực lực mạnh, nên không có gì bất ngờ khi SHB Đà Nẵng hoàn toàn xứng đáng với ngôi vô địch lượt đi.

Trong lúc đó, Quân khu 4 và Đồng Tháp đã trở thành những hiện tượng hết sức thú vị khi cả hai có cùng mẫu số: lối chơi được xây dựng trên nền tảng tập thể, phát huy đến mức tối đa tinh thần của từng cầu thủ. Đồng thời, họ còn sở hữu được những ngoại binh có trình độ và quan trọng hơn, chơi rất ăn ý với những đồng đội. Sông Lam Nghệ An cũng gây được ấn tượng tốt dù lao đao về lực lượng, khó khăn về kinh phí. “Biết người, biết ta” nên thầy trò ông Nguyễn Văn Thịnh trở thành một tập thể “lì đòn” nhất khi chỉ thất bại 1 lần duy nhất trên sân Gò Đậu.

Với những bất định từ không ít “đại gia” và sự ổn định của SHB Đà Nẵng, Quân khu 4, Đồng Tháp, Sông Lam Nghệ An cùng khả năng hồi phục từ Hoàng Anh Gia Lai, hy vọng một cuộc trở lại của Thể Công, lượt về V-Legaue 2009 chắc chắn sẽ còn nhiều biến động để những người đăng quang sẽ là những người xứng đáng.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.