.

Chơi với niềm đam mê

.

Một trong những câu hỏi thú vị được công chúng bóng đá đưa ra trước lúc trái bóng trên sân Olympico lăn trong trận chung kết Champions League rạng sáng 28-5 (giờ Việt Nam) là: Hai nhà chiến lược Alex Ferguson và Pep Guardiola đã dặn các cầu thủ của mình điều gì khi xung trận? Khi trận chung kết ở thủ đô nước Ý được đánh giá là trận đấu “trên đỉnh núi” giữa hai đại diện ưu tú nhất của bóng đá tấn công và nghệ thuật cống hiến, cuộc so tài trên băng ghế huấn luyện, cách đấu trí ở phương diện tổng hành dinh giữ một phần quyết định và tác động trực tiếp đến kết cuộc. Liệu có sự khác biệt nào trong nghệ thuật điều binh khiển tướng ở trận cầu của cả mùa giải giữa hai nhà cầm quân có tuổi tác cách biệt nhau hơn một phần tư thế kỷ (Pep nhỏ hơn ngài Alex 29 tuổi)?

HLV Alex Ferguson trước trận chung kết Cúp C1 với đội FC Barcelona. (Ảnh tư liệu)

Câu trả lời là có, bởi giữa hai bộ óc này có không ít dị biệt về xu hướng bóng đá, quan niệm về cái đẹp sân cỏ, mức độ tương quan giữa tính hiệu quả và nghệ thuật trình diễn. Đối phó với thực lực, phong độ của đối phương vốn có nhiều ưu điểm lẫn nhược điểm, họ hẳn đã dặn cầu thủ mình từng chi tiết cụ thể nhằm giành sự vượt trội hướng đến chiến thắng cuối cùng.
 
Cách thức hạn chế sức mạnh tấn công của đối phương qua việc khống chế tầm hoạt động của các át chủ bài, đồng thời khai thác các chỗ yếu trên trận tuyến phòng thủ của họ để tổ chức tấn công hẳn cũng được cả ngài Alex lẫn Pep chỉ rõ cho các cầu thủ… Nhưng câu trả lời cũng có thể là không, không hề có cách biệt nào về tư tưởng chiến thuật và phương thức điều hành giữa hai nhà cầm quân Manchester United và Barcelona. Cả Alex Ferguson lẫn Pep Guardiola đều nhắc các cầu thủ “hãy chơi theo cách của mình!”.

Bằng sự từng trải của một chiến binh trực tiếp tham gia trận chung kết Cúp C1 châu Âu ngày 20-5-1992 ở sân Wembley, Pep đã dặn đi dặn lại như thế trước lúc các cầu thủ Barcelona vào trận. Xét cho cùng, có cách nào khác hơn với nhà tân vô địch Tây Ban Nha khi tấn công vốn là xu hướng truyền thống được họ xây dựng qua nhiều thế hệ. Barca sẽ không còn là Barca nếu họ đột nhiên chơi lấp lững, không mang vào sân tất cả sức mạnh tấn công, không thể hiện trọn vẹn đường nét cố hữu giúp họ ghi được những 150 bàn trong mùa bóng này.
 
Như một ca sĩ chuyên nghiệp quen với bài hát ruột của mình, ngôi sao Barca vẫn cất cao giọng điệu tấn công riêng có bởi họ nhận thức rằng chỉ với giọng điệu ấy, Barca mới tìm thấy chính mình để sống thật với sân cỏ và công chúng. Sống hết lòng với con đường đã chọn, chơi bóng với tất cả đam mê dường như là một phẩm chất mà Pep muốn từng thành viên Barca nằm lòng, bởi làm được điều ấy chính là tận hưởng tinh hoa của sân cỏ.

Với ngài Alex Ferguson, chiến thắng luôn đồng nghĩa với việc giữ được lối chơi và giá trị chiến công càng lớn nếu nó bắt nguồn từ việc khắc họa rõ nét phẩm chất một tập thể sắc sảo trong tấn công dựa trên nền tảng phòng ngự kiên cố, bài bản. Mùa này sang mùa khác, ông già Scotland chung thủy với con đường của mình và gặt hái hết thành công này đến thắng lợi khác qua việc truyền cho các học trò ngọn lửa đam mê mỗi khi xung trận. Ngọn lửa ấy hiển hiện trong dáng chạy không mệt mỏi của Rooney, nét tận tụy cần mẫn của Giggs, vẻ thâm trầm thầm lặng của Scholes…

Trận chiến đỉnh cao ở Roma vừa kết thúc với niềm vui lớn nhất thuộc về Barcelona. Nhưng dù thắng hay thua, dù rời sân với nụ cười hay nước mắt thì chơi theo cách của mình với tất cả hứng thú và niềm đam mê, cả người thắng lẫn kẻ bại đều nhận thêm bài học giá trị cho mùa sau để tiếp tục hào hứng với con đường đã chọn.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.