.

Đá đẹp và cúp

.

Bốn ngày hai chức quán quân - cúp Nhà vua và ngôi vô địch bóng đá Tây Ban Nha, câu lạc bộ Barcelona đang sống trong mùa thu hoạch ngọt ngào nhất dưới tài dẫn dắt của nhà cầm quân trẻ Pep Guardiola. Hội vui này kéo theo khúc khải hoàn khác, người Barcelona đang chờ đợi đội bóng của mình viết tiếp các kỷ lục mới, trong đó có cuộc gặp đỉnh cao ở Roma với kình địch Manchester United để giành chiếc cúp danh giá nhất châu lục Champions League.

Barcelona vô địch Cúp Nhà Vua Tây Ban Nha. (Ảnh tư liệu)

Với những người mê chuộng bóng đá đẹp, chiến công của Barcelona như một liều thuốc trấn an bao nỗi hoài nghi về tính hiệu quả của thứ bóng đá được xem là nghệ thuật, đồng thời chuyển tải một tuyên ngôn đanh thép: Không có mâu thuẫn giữa cái đẹp và sự hiệu quả, các đội bóng vẫn có thể cống hiến các đường nét tài hoa trên đường tìm đến khung thành đối phương để dứt điểm ghi bàn.

Có lẽ vì thế mà trong rất nhiều điều rút ra được từ mùa bóng thành công của mình, Txiki Begiristain, Giám đốc bóng đá của câu lạc bộ Barcelona, tâm đắc nhất chi tiết: Barcelona đi đến đích bằng chính sự kiên định với phong cách chơi bóng của riêng mình trên nền tảng của các thế hệ cầu thủ được rèn luyện và trưởng thành từ lò đào tạo của chính mình.

Nhân vật giữ vai trò hoạch địch chiến lược phát triển của Barca từng nhiều phen đứng trước mũi dùi công kích về hướng đi và triết lý bóng đá mà đội bóng của mình vốn thủy chung trong nhiều năm liền, nhất là trong bối cảnh Bacelona hai mùa liên tiếp (2007, 2008) trắng tay ở đấu trường nội địa lẫn sân chơi châu lục. Kỳ tích của Barca mùa này, vì thế, như câu trả lời đầu tiên đầy khẳng khái về con đường bóng đá nghệ thuật mà họ đã chọn như là máu thịt.

Không xa xôi rối rắm, phong cách Barca nhiều lần được Guardiola gói gọn trong phương châm nằm lòng: Giành bóng, giữ bóng, tiến về phần sân đối phương, áp đặt sức ép, thiết kế cơ hội và ghi bàn. Có đội bóng nào không làm điều ấy mỗi khi ra sân nếu không muốn thất bại? Câu trả lời từ phía Barca: Phải ghi bàn nhiều hơn đối phương, giữ bóng nhiều hơn, tạo cơ hội nhiều hơn!

Đến đây thì người ta hiểu được rằng thực hiện cho được phương châm ấy chẳng khác nào vượt qua một ngọn núi lớn. Bởi vì để giữ được bóng nhiều hơn, tạo cơ hội nhiều hơn, ghi bàn nhiều hơn đối phương thì cầu thủ của Barca phải có kỹ thuật (không phải rê dắt mà là khả năng chơi bóng một chạm), óc quan sát, sự thông hiểu giữa các đồng đội (như Iniesta và Messi có thể nhắm mắt mà vẫn chuyền bóng như đặt vào chân nhau). Cả Barca là một khối nhuần nhuyễn lên công về thủ của lối chơi tổng lực. Trên tất cả, đó là một khối khát vọng vì thương hiệu, vì các danh hiệu mà Barca hãy còn thiếu và vì niềm đam mê cống hiến những đường nét tài hoa.

Sẽ có câu hỏi đặt ra: Vì sao những đội chơi đẹp khác thường chuốc lấy thất bại đến nỗi họ đã tẩy chay khái niệm cống hiến để hướng tới lối chơi hiệu quả? Trả lời: Có sự khác biệt lớn giữa lối chơi rê dắt lòng thòng dựa vào kỹ thuật cá nhân, sự ngẫu hứng nảy sinh trong vài thời điểm và lối chơi được thiết lập bằng kỹ năng hoàn hảo của từng cầu thủ ở từng vị trí, cộng với sự phản xạ như một thói quen. Barca chú ý rèn luyện cầu thủ kỹ năng chơi bóng qua năng lực suy nghĩ sớm hơn đối phương một khoảnh khắc, chuyền bóng nhanh hơn đối phương một nhịp và táo bạo hơn đối phương 1/100 máu lửa!

Có vẻ như cả tập thể nhà vô địch mới của Tây Ban Nha hoàn hảo đến tận chân răng? Nếu thế thì vì sao lại xảy ra cảnh bế tắc như gà mắc tóc trong trận bán kết lượt về Champions League với Chelsea ở Stamford Bridge, phải nhờ đến bàn thắng cứu sinh của Iniesta ở phút bù giờ?

Ồ, không! Làm sao mà hoàn hảo như chiếc máy được, bởi như thế thì còn gì bóng đá! Chúng ta đang nói đến một tập thể khao khát giành chiến thắng qua việc phụng hiến cái đẹp cho sân cỏ. Hành trình của họ không thiếu những vấp váp đôi lúc làm người yêu bóng đá hồi hộp, thổn thức. Sẽ buồn biết bao nếu một ngày thức dậy không còn thao thức, trông chờ!

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.