Kết thúc lượt đi V-League 2009, ngoài T&T Hà Nội chỉ có 12 điểm, còn có TP. Hồ Chí Minh (đá ít hơn 1 trận) cùng Thanh Hóa và Nam Định (đều 13 điểm) để chia nhau các vị trí “đèn lái”. Nếu đúng theo “định mệnh”, sẽ có 2 trong số 4 đội bóng này phải chấp nhận số phận để xuống thi đấu hạng nhất mùa giải 2010. Trong đó, cơ may của TP. Hồ Chí Minh cùng đội bóng lắm tiền T&T Hà Nội xem ra quá mỏng manh để bảo vệ phiên hiệu của mình.
Không có tiền, thiếu ngoại binh chất lượng, TP. Hồ Chí Minh (áo sẫm) đang đứng trước nguy cơ tụt hạng. |
Sau 3 năm thăng 3 hạng, T&T Hà Nội ngỡ họ có thể là một Hoàng Anh Gia Lai thứ nhì. Nhưng, ở đội bóng này, mặt trái của đồng tiền đã lộ rõ khi những “công thần” từng gắn bó với đội từ hạng ba, rồi hạng nhì lẫn hạng nhất đều không còn được trọng dụng. Ngược lại, những người mới đến như Hồng Minh, Minh Đức, Công Vinh... đương nhiên chiếm vị trí trụ cột. Sự rạn nứt dần bộc lộ cùng với dàn ngoại binh kém chất lượng khiến T&T Hà Nội nhanh chóng rơi tự do sau chuỗi thăng hoa ngắn ngủi đầu mùa.
TP. Hồ Chí Minh lại không được như “tân binh” T&T Hà Nội. Không có nhiều tiền, đồng nghĩa với việc không thể nhanh tay sở hữu những cầu thủ sáng giá. HLV Lư Đình Tuấn từng ngán ngẩm cho rằng: “Hiện giờ là thời của cầu thủ. Họ có thể và có quyền xem xét, cân nhắc 4-5 lời đề nghị. Chỗ nào “thóc tươi”, lại nhiều nhất thì họ gật. Hơn nữa, ngoài tiền, họ cũng phải chọn đội mà đá. Giữa một đội tham vọng vô địch và một đội chỉ đặt mục tiêu trụ hạng, khác biệt nhiều lắm từ điều kiện sinh hoạt, ăn uống, tập luyện, tiền thưởng và cả những vệ tinh chung quanh…”.
Không đủ tiền giữ chân những cầu thủ ngoại sáng giá, TP. Hồ Chí Minh chỉ trông chờ vào những ngoại binh “bình bình” song cũng chẳng yên. Aniekan vô kỷ luật, bị cho nghỉ. Còn Matias, Salatiel, Marcio liên tục bị đau và phong độ xuống. Để có thể “gồng mình” cho mục tiêu trụ hạng, ông Tuấn từng ao ước lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nhảy vào cuộc như Đà Nẵng: “Tiềm lực không có, nên chẳng vui vẻ gì khi các đội khác không tôn trọng mình trong tính toán của họ. Tôi muốn CLB TP. Hồ Chí Minh được nhắc đến như một đội mạnh. Nhưng muốn thế, lãnh đạo phải nhảy vào cuộc, giống Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh của Đà Nẵng”.
Ngược lại, dù chưa thoát khỏi những long đong nhưng nhiều người vẫn tin Nam Định lẫn Thanh Hóa sẽ không phải nằm ở vị trí “đèn đỏ” khi mùa giải kết thúc. Từng đánh bại TP. Hồ Chí Minh 2-0 trên sân nhà hay vượt qua đội chủ sân Quân khu 4: 1-0, Thanh Hóa vẫn cho thấy khát vọng vì “màu cờ, sắc áo” chứ không còn cảnh bị chi phối bởi đồng tiền. Hơn nữa, với 7 trận còn lại trên sân nhà, trong đó, có các cuộc đón tiếp Nam Định, T&T Hà Nội, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quân khu 4..., ông Nguyễn Văn Tiến và các học trò có nhiều cơ hội tích lũy để vượt thoát. Nam Định cũng có những thuận lợi nhất định khi sẽ tiếp cả TP. Hồ Chí Minh lẫn T&T Hà Nội ở lượt về.
Lúc này, cả T&T Hà Nội lẫn TP. Hồ Chí Minh đang chờ “viện binh” ở giai đoạn 2. Nhưng rõ ràng, quỹ thời gian của 3 tuần nghỉ giữa giai đoạn vẫn quá ít ỏi để có thể làm nên một cuộc cách mạng, vì thế nỗi lo càng đè nặng lên T&T Hà Nội cùng TP. Hồ Chí Minh.
NGUYÊN AN