.

“Trảm tướng”, có đúng chăng?

.

Chỉ trong vòng 2 ngày, V-League 2009 dường như đã “dậy sóng” khi có đến 2 nhà cầm quân phải ra đi. Trước đó, Dusit (Hoàng Anh Gia Lai), Riedle (Xi-măng Hải Phòng) rồi Vital (Bình Dương), Trần Công Minh (Đồng Tâm Long An) cũng đã sớm chia tay các học trò theo nhiều cách khác nhau. Lần này, những tên tuổi như Vương Tiến Dũng (Thể Công) rồi Nguyễn Ngọc Hảo (Nam Định) bị phế truất khiến không ít người cảm thấy bùi ngùi.

Riedl (ngồi hàng đầu, bên phải) là nhà cầm quân đầu tiên bị “trảm” dù V-League 2009 chỉ mới trải qua 3 lượt đấu.

Nhưng với bóng đá chuyên nghiệp, quả khó có chỗ cho những tình cảm ủy mị chen vào. Nhất là với ông Vương Tiến Dũng, vốn gắn bó quá lâu với Thể Công, từ vai trò cầu thủ cho đến  HLV. Sau thất bại đậm 0-3 trước Quân khu 4, Thể Công không còn một sự lựa chọn khả dĩ nào; đặc biệt, khi họ còn đó một “tướng tài” khác là Lê Thụy Hải. Cũng phải thôi, khi sau 4 thất bại liên tiếp (đến vòng đấu thứ 11), số trận thua của Thể Công đã lên đến con số 6 và đội bóng tụt xuống vị trí thứ 12.

Nhìn lại mới thấy Thể Công đã lo xa hơn nhiều khi họ đưa ông Lê Thụy Hải về làm trợ lý cho Giám đốc Hồ Tri Liêm và nhất định giữ ông lại bằng được trước sự chèo kéo của Xi-măng Hải Phòng. Thể Công từng tính bước đi lâu dài khi khẳng định với ông Hải rằng, ông chắc chắn cầm Thể Công từ mùa 2010, dù cho HLV Vương Tiến Dũng có thành hay bại mùa 2009. Phải chăng, đây là một hệ quả tất yếu khi ông Dũng không quản được quân, dù bây giờ Thể Công đã có “tiền tấn”?

Ông Hảo của Nam Định cũng có nỗi đau, dù kết quả này đã được “tích lũy” trước đó. Trong phút giây chuyển giao, ông Hảo tâm sự: “Đội trì trệ, đá kém nên tôi nghỉ là phải thôi. Tôi muốn đội có người khác làm để thay đổi không khí mới đưa anh em tiến lên được. Chuyện xin nghỉ lúc này là tôi tự nguyện, còn đi đâu hay không thì tôi không biết được mà để... Trời tính, chứ mình không tính được”. Song đằng sau ấy, vẫn có những nỗi niềm không nói hết được.

Đá 6 trận và chỉ giành 1 điểm, nhưng thảm bại 1-5 trước Hoàng Anh Gia Lai chính là “giọt nước tràn ly”. Nhưng chẳng thể đổ tội cho mỗi ông Hảo khi có đến một nửa đội hình hết hợp đồng và nhiều khả năng ra đi nhưng lãnh đạo vẫn chưa có một động thái nào để xốc lại tinh thần cầu thủ. Và cái nghèo khiến Nam Định chẳng thể có ngoại binh tốt. Hay việc thiếu tiền đôi lúc làm khó cho... chính lãnh đạo trong ứng xử với cầu thủ.

HLV Nguyễn Ngọc Hảo (phải) đã giã từ chiếc ghế HLV Nam Định.

Xét cho cùng, những cuộc ra đi ấy cũng là tất yếu bởi trong cuộc chơi chuyên nghiệp, HLV là người chịu trách nhiệm chính khi đội bóng bết bát. Nhưng với tỷ lệ hiện nay khi có đến 6 “thuyền trưởng” phải ra đi là một con số quá nhiều. Chưa kể, vẫn còn không ít chiếc ghế HLV đang bị lung lay khi niềm tin của một số ông chủ đội bóng đang cạn dần bởi những bất ổn đáng kể về thành tích của đội.

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, hiện tượng “trảm tướng” đang khá phổ biến bắt nguồn từ căn bệnh thành tích của bóng đá Việt Nam, bởi đôi lúc, phần lỗi bắt nguồn từ chính những cầu thủ “tạo phản” để “đá văng” HLV. Tuy nhiên, việc loại bỏ một cầu thủ giỏi thường không phải là lựa chọn của những ông bầu; vì thế, phải có một “ai đó” chịu trách nhiệm về bản thành tích nghèo nàn. Và dĩ nhiên, HLV trưởng thường là người được nhắm đến để quy trách nhiệm.

Đã có những đội bóng bỗng nhiên mạnh mẽ sau khi thay tướng, nhưng cũng có không ít đội bóng vẫn ì ạch dù đã được dẫn dắt bởi những ông thầy mới. Trong đó, Bình Dương đã thể hiện một sắc thái khác hẳn so với cả Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai lẫn Xi-măng Hải Phòng. Còn bây giờ, chờ xem diện mạo mới của Thể Công và Nam Định sau khi thay tướng...

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.