.

Các CLB Premier League nợ như chúa chổm

.

(ĐNĐT) - Premier League luôn tự hào là giải VĐQG hàng đầu thế giới nhưng những số liệu kế toán đã có thấy cách kinh doanh bóng đá ở đảo quốc sương mù không như mong đợi khi tổng số nợ lên hơn 3 tỷ bảng.

Xin nói trước đây không phải là số liệu thống kê của mùa giải vừa qua mà là mùa giải 2007-2008.

Khán đài Stamford Bridge luôn chật kín người nhưng Chelsea vẫn lỗ dài
Tổng số nợ ngân hàng, mượn và các khoản nợ khác của 20 CLB Premier League lên tới 3,1 tỷ bảng. Đứng đầu là Chelsea với 701 triệu bảng. M.U bám sít sao với 699 triệu bảng. Arsenal 416 triệu bảng và đại gia cuối cùng Liverpool đứng thứ tư với 280 triệu bảng. Điều đáng nói là khoản nợ của tất cả 4 đại gia này đều đã quá hạn.

Khoản nợ của 4 đại gia này diễn ra theo những cách khác nhau. M.U khi đó là nhà vô địch Premier League và Champions League vẫn lỗ 44,8 triệu bảng bởi vì khoản lợi nhuận khổng lồ đều được đem trả nợ. Năm 2005, gia đình Glazer mua lại M.U chủ yếu bằng tiền vay mượn. Sau đó, họ lại đổ hết các khoản nợ của mình lên CLB.

Liverpool cũng chịu cảnh tương tự khi hai ông chủ Mỹ Hicks và Gillett đã vay 185 triệu bảng để mua lại CLB hồi năm 2007. Chelsea không bị nợ ngân hàng nhưng đứng ở vị trí đầu bảng là do khoản vay không lãi từ Chủ tịch Abramovich từ hồi 2003 đến nay. Tỷ phú người Nga này rót tiền vào Chelsea để trả lương cầu thủ bởi CLB không thể gánh nổi.

Arsenal là CLB duy nhất ở Anh nợ vì kế hoạch đầu tư. Arsenal mượn 260 triệu bảng để xây sân vận động mới Emirates và thêm 133 triệu bảng nữa để cải tạo sân cũ Highbury thành nhà cửa, văn phòng. Kế hoạch thu hồi vốn gặp khó khăn do bất động sản đột ngột đóng băng. 

15/20 CLB buộc phải dựa vào túi tiền của các ông chủ. Sau Abramovich là Mohamed Al Fayed với số tiền vay không lãi 174 triệu bảng đổ vào Fulham. Các CLB nhỏ gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến trụ hạng cũng đã bắt đầu tìm kiếm chủ tịch mới nhiều tiền hơn để giúp đội sống khỏe hơn như Sunderland, West Ham và Portsmouth.

BTC Premier League vẫn cố bảo vệ những con số thống kê vừa được công bố mà theo đó là hoàn toàn có khả năng kiểm soát được. Tổng số tiền mua sắm cầu thủ, trả tiền lương cầu thủ và ban bệ của CLB lên tới hơn 1 tỷ bảng, chiếm tới 55% doanh thu, là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, có điều bất hợp lý là mức lương của các giám đốc CLB quá cao, cao hơn những công ty có cùng doanh thu nhưng hoạt động ở lĩnh vực khác.

HẠC NGUYỄN

;
.
.
.
.
.