.

Đâu phải lỗi của CR7!

.

Khi biết tin CLB Hoàng gia Tây Ban Nha Real bỏ ra 80 triệu bảng để có được C.Ronaldo, nhà cầm quân Man City Mark Hughes dự báo về một mùa chuyển nhượng sôi động: “Thiên hạ vẫn còn rất nhiều tiền. Một số CLB lớn đang muốn mua thêm ngôi sao. Thị trường chuyển nhượng sẽ rất sôi động”. Hughes tin rằng, Real sẽ hài lòng với số tiền kỷ lục họ bỏ ra để mua tiền vệ trứ danh của M.U. Cùng với 56 triệu bảng để mua Kaka, CLB Tây Ban Nha phải chi ra tới 136 triệu bảng để có trong tay hai tên tuổi tài năng nhất trong bóng đá châu Âu.

Đã không còn những ngày tháng tươi đẹp của quá khứ...

Chung quanh vụ chuyển nhượng này, đã có nhiều ý kiến phản ứng với CR7. Song khi phát biểu với Radio 5 Live, HLV Carlos Queiroz - cựu thành viên BHL M.U, người từng làm việc bên cạnh ông Ferguson các mùa bóng từ 2004-2008 - cho rằng, không nên đặt vấn đề về lòng trung thành ở đây: “Khi nói về lòng trung thành, cần phải hiểu nó theo hai chiều. Hơn 95% các vụ chuyển nhượng đều được quyết định bởi các ông bầu CLB. Trong bóng đá hiện đại, lòng trung thành chính là ở chỗ, bạn chơi như một cầu thủ thật chuyên nghiệp, cam kết với CLB, với các mục tiêu và tham vọng của đội bóng mà bạn đang chơi".

Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch UEFA Michel Platini đã gọi vụ chuyển nhượng kỷ lục thế giới này là “quá đáng” trong bối cảnh thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính: “Những vụ chuyển nhượng như thế là thách thức to lớn cho tinh thần fair-play và quan điểm cân bằng tài chính đối với bóng đá”.

Và việc  ra đi của CR7 cùng với cái giá “quá đáng” không hẳn lỗi thuộc về anh.

.

Tháng 11-2008, các Bộ trưởng Thể thao ở châu Âu đã không thành công trong việc xây dựng cơ quan điều chỉnh tài chính cho thể thao châu Âu. Vì thế, họ yêu cầu FIFA và UEFA đưa ra các quy định tài chính khắt khe hơn trong hoạt động bóng đá. Các quan chức UEFA hy vọng có thể thúc đẩy kế hoạch này trong năm nay, thông qua việc cân nhắc giới hạn khoản thu nhập mà một CLB được phép sử dụng cho chuyển nhượng và mức lương hạ xuống bằng 45-55% lợi tức từ việc bán vé, bản quyền truyền hình và tiền tài trợ.
 
Còn lại, tất cả phải được sử dụng cho các cơ sở hạ tầng, như xây dựng sân vận động và phát triển học viện cầu thủ trẻ. Ngoài ra, UEFA còn xem xét thêm khả năng giới hạn số lượng hợp đồng với các cầu thủ chuyên nghiệp để cắt giảm quân số của các CLB.

Bên cạnh đó, Gordon Taylor - Giám đốc điều hành Hiệp Hội Cầu thủ nhà nghề - ngỏ ý, bóng đá phải ý thức đến các vụ chuyển nhượng và xác định mối liên quan đến bầu không khí tài chính hiện tại: “Bóng đá không nằm ngoài các khó khăn của thế giới hiện nay và do đó rất dễ bị tổn thương”.

Nguyên An

;
.
.
.
.
.