.

Nếu khán đài còn nhiều chỗ trống

.

Nhìn các khán đài sân Chi Lăng trong trận thắng Hoàng Anh Gia Lai chủ nhật tuần rồi chật kín người xem với băng cờ sôi động, không ít quan chức bóng đá ở nhiều địa phương khác đều mơ có được một phần khí thế hào hứng của sân bóng này. Với nhiều sân bóng vốn nổi tiếng thu hút người hâm mộ trước đây - như sân Thống Nhất của TP. Hồ Chí Minh chẳng hạn - tìm lại cái sôi động, hào hứng ấy lúc này quả là chuyện… trong mơ.

SHB Đà Nẵng đang tiến dần đến ngôi vô địch. (Ảnh tư liệu)

Vẫn còn đó đại biểu bóng đá TP. Hồ Chí Minh - và là đại biểu duy nhất của bóng đá thành phố này ở giải bóng đá lớn nhất nước - nhưng khán đài trong những trận tranh tài của Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh với các đối thủ ngang tài ngang sức ở V-League bây giờ sao mà trống vắng đến nao lòng. Còn đâu cảnh bốn phía cầu trường nêm chặt người với tiếng hò reo cổ vũ không ngưng nghỉ ở cuộc đọ sức giữa Hải Quan và Quảng Nam - Đà Nẵng, giữa Cảng Sài Gòn và Thể Công hơn mười năm trước!

Đừng vội kết tội khán giả về sự thờ ơ, lạnh nhạt đáng buồn kia nếu trước hết bóng đá - ở đây cụ thể là bản thân đội bóng - không tự mình tìm kiếm lời giải cho sự thiếu thu hút, kém hấp dẫn của chính mình. Khi không biết đầu tư thích đáng về thực lực, lối chơi, khát vọng; không giới thiệu với công chúng gương mặt của một tập thể chơi bóng vì niềm vui của người hâm mộ, không đặt sự trung thực, hết lòng lên hàng đầu, các thương hiệu bóng đá dù có nổi tiếng đến mấy cũng khó có thể phát đi tín hiệu mời gọi người xem đến sân, nhất là trong không gian ngồn ngộn các cuộc tranh tài ở đẳng cấp quốc tế qua các kênh truyền hình.

Những khán giả đội nắng dầm mưa không ngớt hò reo hoặc luôn tay vẫy cờ trên các khán đài hồ hởi kia sở dĩ không bao giờ thấm mệt vì họ tìm thấy bóng dáng chính họ, niềm vui của chính họ trong từng bước chân các cầu thủ. Khi không tìm thấy điều này trên sân bóng, thậm chí lắm lúc còn bị chính các cầu thủ mà mình từng yêu mến, kỳ vọng tỏ ý coi thường qua thái độ thi đấu phỉnh phờ, vô hồn thì người hâm mộ chân chính chẳng tìm thấy lý do nào khác để đến sân.

Bóng đá chỉ đẹp khi sân cỏ thể hiện trọn vẹn mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng nhau, vì lợi ích của nhau giữa người trình diễn và kẻ thưởng ngoạn. Những khoảng trống buồn bã trên các khán đài kia phải chăng phơi bày một thực tế đáng day dứt rằng không ít đội bóng của V-League mùa này mải chạy theo cái bóng lợi danh của chính mình trên hết mà dửng dưng vô cảm trước bao buồn vui thao thức của người hâm mộ.

Nhưng bóng đá đẹp thường song hành với việc ghi bàn. Các chuyên gia phân tích châu Âu dẫn chứng con số 158 bàn thắng của Barcelona tại tất cả các giải đấu mà họ tham dự, 80 bàn thắng của Wolfsburg ở giải vô địch quốc gia Đức cùng thành tích của những Manchester United ở Anh, Bordeaux ở Pháp mùa này để khẳng định rằng sức hút của các đại biểu này đối với công chúng bắt nguồn từ việc họ biết cách ghi bàn và luôn làm hết sức để ghi bàn thật nhiều.

Tom William, cây bút bình luận của hãng AFP, trong một bài phân tích mới nhất về mùa bóng vừa kết thúc ở châu Âu đúc kết rằng chính bóng đá đẹp làm phong phú thêm đời sống sân cỏ và bản thân nó ngày càng “tậu” thêm nhiều cổ động viên cho các câu lạc bộ.

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) trong nỗ lực lấp đầy hàng ngàn ghế trống trên các khán đài ở Confederations Cup đang diễn ra tại Nam Phi vừa quyết định phát vé miễn phí cho cổ động viên nhằm tạo không khí hào hứng cho các cuộc tranh tài tiền World Cup. Sẽ ăn nói làm sao với các nhà tài trợ và với các liên đoàn thành viên về ngày hội lớn nhất diễn ra một năm sau, khi bản thân giải đấu này thiếu sinh khí, vắng sức hút?

Quyền năng, uy lực cỡ FIFA cũng khiếp nhược trước các khán đài còn nhiều chỗ trống, các sân bóng hắt hiu bóng người…

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.