.

Nghĩ cùng bóng đá

Bao nhiêu ngày tháng háo hức đợi chờ cuộc so tài nẩy lửa của những ông lớn bóng đá của hành tinh. B. Muynich, R. Madrid, A.C Milan, Inter..., những tên tuổi vinh quang một thời đã rụng rơi rồi. Trước mắt rồi sẽ đến lượt MU, Barcelona, Chelsea… Có nước mắt, có nụ cười trên gò má các chiến binh sân cỏ, và trên má cả những người hâm mộ xa lắc xa lơ ở xứ sở Vua Hùng. Vòng quay của cuộc sống nối tiếp nhau không ngừng để đem đến cho con người những phút giây sảng khoái và thêm nữa, một đôi điều suy ngẫm.

Trên đấu trường luôn luôn có kẻ thắng, người thua. Có kẻ gục ngã chỉ sau vài hiệp so tài, và kẻ khác thì đi xa, xa mãi vượt qua mọi đối thủ đến ngày toàn thắng. Kẻ thua, người ta đổ lên đầu nhiều điểm yếu lắm: Thiếu lửa, sa sút phong độ, thiếu tập trung, ngại va chạm, coi thường đối thủ, v.v... Còn nếu chịu khó liệt kê những điểm mạnh của kẻ chiến thắng thì cũng có nhiều điều để tung hô đấy. Đại để là… tấn công ào ạt, khát vọng chiến thắng, làm chủ thế trận, tranh cướp quyết liệt, những ngôi sao tỏa sáng đúng lúc, v.v... Tất cả những nhận xét đó đều đúng cả. Chỉ xin có thêm một nguyên nhân dành cho kẻ thắng cũng như người thua: Ấy là tuổi tác.

Nhớ mùa giải năm xưa xửa, đội quân Đức bản lĩnh là thế, khao khát chiến thắng là thế. Vậy mà cỗ máy với những toan tính chính xác đến tận từng bước chạy, đành gục ngã và chiếc cúp vàng chỉ còn trong khao khát. Mới hồi nào đội tuyển Pháp còn nâng cao chiếc cúp vàng danh giá mà cả thế giới bóng đá ao ước. Vậy mà 4 năm sau buồn bã ra về sau loạt trận vòng ngoài, đến một bàn thắng cũng không có nổi.

Năm sau nữa thì hoàn toàn vắng bóng trên đấu trường châu Âu, dẫu Zidane còn đó, Henry còn đó, nghĩa là không hề thiếu vắng những gương mặt, những tên tuổi chói sáng bầu trời Paris 1998. Một tập hợp những tài năng kiệt xuất không chỉ của riêng bóng đá Pháp mà là những đại diện xuất chúng của bóng đá hiện đại thế giới. Có ai phủ nhận được Zidane. Khe khắt như FIFA mà cũng phải 3 lần trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới cho cầu thủ này.

Henry, Vieira, Thuram, Trezeguet, Silvestre, Barthez, v.v... Những cái tên thì còn nguyên đó nhưng tuổi tác đã đè nặng lên tên tuổi họ, trong từng bước chạy, trong từng phản xạ, và đặc biệt là trong tư duy..., nghĩa là trên tất cả mọi khả năng mà thời trẻ họ đã từng có. Trong trận quyết định Pháp gặp Tôgô, Zidane bị treo giò. Có nhiều người lo lắng, coi đó là một tổn thất không thể bù đắp được.

Có số người phân vân, “không biết rủi hay may”. Và cũng không ít người thầm nghĩ , “ biết đâu vậy là may”. Rút cuộc Pháp đã thắng Tôgô 2-0 và tiến thêm một bước nữa vào vòng trong. Hóa ra, vắng Zidane không có nghĩa là tổn thất không gì bù đắp được như nhiều người vẫn theo một nếp nghĩ.

Nhưng Z. Zidane là người hiểu mình, hiểu đời. Mặc dù vào thời điểm này đội tuyển Pháp vẫn coi Zidane như một nhạc trưởng và anh cũng không ít lần tỏa sáng và ghi những bàn thắng quyết định cho đội nhà trong mùa World cup cuối cùng, nhưng anh đã quyết định rời sân cỏ, cũng như cách đây gần 20 năm Platini đã làm khi siêu sao bóng đá Pháp tài năng và kinh nghiệm đang độ sung mãn.
 
Ta hãy thử hình dung xem, một ông vua Pele đầy hào quang vây bọc nay bỗng ra sân với tuổi ngoài 50, với tư duy bóng đá lỗi thời của những thập niên 50, 60 liệu sẽ thành cái gì trước hàng triệu người xem bóng đá, nếu không phải là một trận cười đến... nhớ đời. Cho nên Pele, Platini, hay Zidane... là những con người hiểu mình và họ mãi mãi được tôn trọng.

Cũng có người nghĩ rằng, bóng đá là thể thao, cần cơ bắp, cần sức lực. Còn những hoạt động khác thì xin thưa, không hẳn thế. Bóng đá hay bất cứ một hoạt động nào khác của con người, đều thể hiện khao khát chiến thắng bằng sự năng động, tư duy nhạy bén, luôn đổi mới, sáng suốt...
 
Tuổi tác để lại dấu ấn rõ rệt trên mỗi thành công và thất bại đến nỗi không có cách gì phủ nhận được. Chỉ có điều, bóng đá diễn ra trên sân cỏ, sức vóc từng cầu thủ hiện rõ trên từng bước chạy, ai cũng có thể nhìn thấy và đánh giá minh bạch. Có những hoạt động khác, nhiều khi ẩn náu trong từng nẻo khuất giúp những ai ưa né tránh sự thực ngộ nhận và tìm cách biện minh.

Từ bóng đá tôi ngộ ra một điều: Trẻ hóa mọi hoạt động bức thiết biết dường nào. Tiến nhanh hay chậm, thắng hay bại, một yếu tố không thể bỏ qua, đó là trẻ hóa đội ngũ. Cuộc đời cũng chính là một sân cỏ, chỉ khác một điều là sân chơi này phức tạp hơn, đa dạng hơn và rộng lớn đến vô cùng, đòi hỏi các cầu thủ trong đội hình phải được chăm sóc thường xuyên, đổi mới thường xuyên và trẻ hóa thường xuyên.

Mùa bóng vừa qua, tuyển Đức, tuyển Hà Lan không đạt tới đỉnh điểm. Họ chưa đi đến chặng chót của cuộc đua tranh. Nhưng người ta vẫn có lý để đặt niềm tin vào J.Klisman, V. Basten, những huấn luyện viên tìm kiếm tài năng trẻ, tin vào lớp trẻ. Một thế hệ cầu thủ trẻ của Đức, Hà Lan đã được thử sức và khao khát chứng tỏ sức sống, tài năng và tuổi trẻ của cả một đội ngũ được tin cậy và huấn luyện tốt.

HIẾU DÂN

;
.
.
.
.
.