.

Nhiều tiền chưa hẳn là mạnh

.

Trước V-League 2009, những vụ mua sắm “tiền tấn” của không ít “đại gia” khiến bóng đá Việt Nam sớm lên “cơn sốt”. Nhưng sau một lượt đi đầy biến động, chẳng phải ai cũng có thể hài lòng với hiệu quả đầu tư. Thất vọng bậc nhất vẫn là T&T Hà Nội, kế đến là Xi-măng Hải Phòng, Thể Công. Ngược lại, sau một khởi đầu trắc trở, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu chứng minh họ cũng biết cách tiêu tiền.

Dù không phải “nhà giàu” nhưng các cầu thủ Quân khu 4 (áo sẫm) đã dành cho V-League 2009 một bài học về tinh thần quyết thắng.

Khi còn ở hạng nhất, T&T Hà Nội từng gây xôn xao về khả năng “chịu chơi” và “chịu chi” của mình. Những khoản lương ngất ngưỡng được trả cho những cầu thủ tên tuổi chẳng kém gì những đội nhà giàu V-League. Lúc ấy, “doping tiền” thực sự phát huy tác dụng khi mặt bằng hạng nhất khác hẳn với chất lượng V-League.

Tưởng chừng cái cách sử dụng đồng tiền như thế có thể rập khuôn vào V-League khi họ có được những thứ hạng ngon lành ở những giải đấu tập huấn trước mùa giải. Niềm tin vào việc cứ chi nhiều tiền ắt hẳn sẽ có những thành quả tốt khiến mục tiêu của đội bóng Thủ đô được gói gọn: “Vào tốp 3, nếu được thì vô địch”. Thế nhưng, đẳng cấp, tinh thần đoàn kết, khả năng quy tụ cầu thủ... không thể có được chỉ bằng tiền. Thậm chí, chính lối sử dụng đồng tiền vô tội vạ đã trở thành tác nhân chủ yếu trong việc phân hóa nội bộ đội bóng này, để sau lượt đi, T&T Hà Nội hoàn toàn “yên ổn” ở vị trí “đèn lái”.


Hoàng Anh Gia Lai cũng khá đình đám với việc đưa về Pleiku chân sút người Mỹ gốc Việt, từng khoác áo U-20 Mỹ Lee Nguyễn. Những trắc trở khiến đội bóng phố núi trở thành CLB chuyên nghiệp đầu tiên “trảm tướng” tại V-League 2009. Rồi scandal của Augostinho, việc Evaldo từ “người thừa” biến thành “công thần” của cuộc tái sinh tại Hoàng Anh Gia Lai có lúc biến đội bóng của bầu Đức trở thành đề tài “nóng” của giới truyền thông. Vậy mà, ở đoạn cuối lượt đi, Hoàng Anh Gia Lai như bừng tỉnh để thi đấu tưng bừng với 4 chiến thắng liên tiếp, nhanh chóng lọt vào top 3. Với những “anh nhà nghèo” như Quân khu 4, Đồng Tháp..., hẳn nhiên họ chẳng có tiền để lao vào những thương vụ bạc tỷ; thậm chí, không đủ để giữ lại những trụ cột như trường hợp Đồng Tháp.

So với Hoàng Anh Gia Lai, mức đầu tư của Quân khu 4 chỉ chưa đến 1/10; lương của Lee Nguyễn và Thonglao đủ để trả cho cả đội bóng của HLV Vũ Quang Bảo. Với Quân khu 4, khoản thưởng cho một trận thắng chỉ chừng 50 triệu đồng và lương cao nhất cho cầu thủ nội cỡ Đình Luật cũng ở mức 8 triệu đồng. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chất lượng cầu thủ Quân khu 4 không cao; họ chỉ sau Hoàng Anh Gia Lai có 1 điểm và sau họ là nhiều đội có mức đầu tư gấp bội phần. Như Thể Công, cùng là đội bóng mặc áo lính, nhưng ngân sách như vô hạn, giờ đang đứng ở nửa cuối của bảng xếp hạng. Như T&T Hà Nội, chỉ riêng việc mua Công Vinh, đội bóng này đã tốn số tiền bằng cả ngân sách của Quân khu 4 nuôi đội bóng.

Không thể phủ nhận, bóng đá chuyên nghiệp không thể thiếu đi sự đầu tư mạnh mẽ và tiềm lực hùng hậu. Nhưng giữa việc có tiền và biết cách tiêu tiền lại là chuyện khác. Hơn nữa, không thể quên được yếu tố “màu cờ, sắc áo”, yếu tố giúp cho các cầu thủ chơi máu lửa hơn như SHB Đà Nẵng đang thành công.

Bước vào lượt về, lại có những thương vụ đình đám từ Xi-măng Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai và cả T&T Hà Nội... Song chắc chắn, hiệu quả tiêu tiền của mỗi đội bóng cũng sẽ khác nhau khi sự nhiệt thành, máu lửa... từ các cầu thủ, vẫn chẳng thể mua được bằng tiền.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.