Trong những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có bước phát triển khá đồng đều và rộng khắp; chủ trương xã hội hóa các hoạt động TDTT bước đầu đã khai thác được tiềm năng của xã hội vào sự nghiệp phát triển TDTT của thành phố.
Ngày nay, TDTT là một hoạt động không thể thiếu của đời sống xã hội, là động lực thúc đẩy, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, là phương tiện hữu hiệu để giao lưu, học tập. Mục tiêu của phát triển TDTT là phục vụ con người để góp phần nâng cao sức khỏe, bồi dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh cho mọi đối tượng.
Phong trào TDTT không chỉ phát triển ở các địa phương cơ sở mà còn sôi nổi ở các cơ quan, đơn vị và cả trong lực lượng vũ trang nhân dân. |
Tính đến cuối năm 2008, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 21,3% dân số; số hộ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 15,2% số hộ gia đình; 100% số trường phổ thông thực hiện nội dung Giáo dục thể chất có nền nếp; 95% số trường học tổ chức giảng dạy ngoại khóa về TDTT; 90% số HS, SV đạt chuẩn Rèn luyện thể thao; 95% cán bộ, chiến sĩ LLVT tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 341 câu lạc bộ TDTT một môn và 50 CLB đa môn.
Điều đáng nói là, hiện nay ở các thôn, khu dân cư tại các quận, huyện, nhiều giải thể thao không chỉ chờ đến dịp lễ, Tết mới được tổ chức mà ngay cả trong những ngày hội làng cũng có các giải thể thao cấp thôn, xóm và trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đông đảo người dân. Qua đó, tạo sân chơi giao lưu bổ ích giữa các tầng lớp nhân dân, xây dựng tình đoàn kết xóm làng, khu phố, góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội. Nhiều địa phương đã huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện. Nhiều gia đình tự bỏ tiền làm sân chơi, mua sắm các dụng cụ phục vụ cho tập luyện TDTT hằng ngày.
Môn thể thao kéo co dưới nước luôn được duy trì tại lễ hội Cầu ngư, làng văn hóa biển Kim Liên. |
|
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong hoạt động TDTT ở cơ sở là nguồn kinh phí hằng năm còn hạn chế; sân chơi, bãi tập chưa được đầu tư đúng mức. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, ngoài sự quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách, các địa phương cần chủ động, linh hoạt hơn trong việc huy động các nguồn lực, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động TDTT để xây dựng các sân chơi, bãi tập..., đáp ứng tốt hơn nhu cầu luyện tập thể thao của nhân dân, tạo cho mỗi người dân thói quen thường xuyên tập luyện để nâng cao sức khỏe, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN