.
V-LEAGUE 2009

Hiện tượng và bản chất

.

Không như các mùa giải trước, V-League 2009 đã có những biến động đáng kể sau hơn nửa chặng đua. Quá nhiều bất ổn từ những “đại gia” khi đương kim vô địch Bình Dương lẫn Đồng Tâm Long An đều nằm ở nửa dưới của bảng xếp hạng.
 

Giữ gìn được bản sắc của mình, Sông Lam Nghệ An (áo trắng) vẫn là một đối thủ đáng ngại ở V-League 2009.

Bên cạnh đó, các đội bóng “lắm tiền, nhiều của” như T&T Hà Nội, Xi-măng Hải Phòng và cả Thể Công cũng chưa thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Thế nhưng, sự ổn định vững chắc của SHB Đà Nẵng, khả năng bứt phá ở giai đoạn quyết định của Hoàng Anh Gia Lai hay hiện tượng Quân khu 4, Đồng Tháp đã góp phần tạo nên bức tranh sinh động, đầy màu sắc cho V-League lần này.

Không thiếu tiền để tổ chức hẳn một cuộc tuyển quân ngay trên đất nước Samba, Thể Công tưởng có thể thoát khỏi một mùa giải u ám khi tất cả đều tin rằng, bộ ba cầu thủ người Brazil De Olivera, Gibson và Valderlei vừa chiêu mộ đủ giúp Thể Công thăng hoa ở những vòng đấu khốc liệt phía trước. Thế nhưng, trước một T&T Hà Nội chưa qua “cơn bạo bệnh”, những người mới đến chẳng như kỳ vọng, tuy một trận đấu chưa đủ để đánh giá chất lượng lẫn đẳng cấp của các tân binh.

Xi-măng Hải Phòng cũng “dở khóc, dở cười” dù CLB này khiến cả V-League sôi sục sau khi tưởng như vớ bở với bản hợp đồng “bom tấn” cùng cựu tuyển thủ Brazil Denilson. Hóa ra, đội bóng của ông Vương Tiến Dũng đã đổ cả núi tiền chỉ tạo điều kiện cho Denilson… dưỡng thương. Để rồi, đội bóng đất Cảng bị giới cổ động viên xem là “lừa đảo”!

Trong lúc đó, quá cứng nhắc với nguyên tắc “không vung tiền” và “tuyển mộ phục vụ chiến lược”, Đồng Tâm Long An đã chìm nghỉm dù giải đấu đã vượt qua hơn nửa chặng đường. Ở xu thế ngược lại, T&T Hà Nội chẳng tiếc tiền để kéo về những tên tuổi cỡ Lê Công Vinh, Lê Hồng Minh, Nguyễn Minh Đức… với mục tiêu giành huy chương, nhưng cũng không thể đáp ứng nổi tham vọng của những ông chủ của đội bóng này.

Chính vì thế, Sông Lam Nghệ An hay Đồng Tháp - những đội bóng bị “bòn rút” cầu thủ dữ dội nhất - lại đang bay bổng cùng SHB Đà Nẵng và Hoàng Anh Gia Lai trong những vị trí dẫn đầu. Vì thế đã có nhiều lý giải về sự thành công trong bóng đá không chỉ được “cân đong” bằng tiền.

Không nhiều tiền nhưng Quân khu 4 (áo sẫm) đã chứng tỏ được, thành tích trong bóng đá không thể mua được bằng tiền.

SHB Đà Nẵng và Sông Lam Nghệ An có được một lực lượng tương đối chất lượng so với Đồng Tháp hay Quân khu 4. Hay nói cách khác, cả Đà Nẵng lẫn Sông Lam Nghệ An đã khẳng định được đẳng cấp thực sự của mình. Trong lúc đó, Đồng Tháp hay Quân khu 4 vẫn chỉ được xem là “hiện tượng”.

Thực tế sân cỏ V-League 2009 đã khẳng định, cuộc đua tranh đến những ngôi cao nhất không dành cho những đội bóng thiếu chiều sâu về lực lượng, non kém bản lĩnh, hạn chế quyết tâm và nhất là, thiếu một bề dày truyền thống. Sẽ rất khó để Bình Dương bảo vệ được ngôi vô địch hay không dễ dàng để Thể Công tạo nên một cuộc lật đổ để lọt vào nhóm các đội giành được huy chương song cũng chẳng ai có thể coi thường họ. Trong lúc đó, những “hiện tượng” lẫn những đội “thừa tiền” song chưa đạt đến đẳng cấp cao, hiểm họa vẫn sẽ thường trực nếu thiếu đi sự điều chỉnh cần thiết trong giai đoạn quyết định phía trước.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.