.

V-League 2009 và “khúc cua tử thần”

.

V-League 2009 đã qua được 2/3 chặng đường và lúc này, đã xuất hiện những “khúc cua tử thần”, đủ để nhấn chìm những người “xấu số” khi đây đó đã bắt đầu xuất hiện những trận đấu “nối mạng”. Không quá khó để nhận ra điều đó khi mới đây thôi, lượt đấu thứ 17 đã có những trận đấu “bốc mùi”.

Thanh Hóa (áo sẫm) gần như đã chấp nhận số phận.

Sự bất cập của những trận đấu lệch giờ đã bắt đầu được tận dụng, cho dù “thủ phạm” đã có đủ “bằng chứng ngoại phạm”. Chẳng hạn, đó là một thất bại khó lý giải của SHB Đà Nẵng trước CLB TP. Hồ Chí Minh. Một trận đấu mà hàng phòng ngự lẫn một số trụ cột chỉ “biểu diễn” và “đi xem đá bóng” hơn là “chơi bóng”. Dù HLV Lê Huỳnh Đức thở than và không thể phủ nhận những nỗ lực của đội chủ sân Thống Nhất, song không phải bỗng dưng để có sự ngờ vực như thế. Có người bảo, nếu Sông Lam Nghệ An lẫn Khánh Hòa đều thắng, có thể kết quả trận đấu trên sân Thống Nhất đã khác (!).

Cũng có ý kiến lý giải, SHB Đà Nẵng đâu phải là một “cỗ máy” để không có những trục trặc. Thậm chí, bản thân Lê Huỳnh Đức từng thừa nhận, SHB Đà Nẵng đã có không ít trận thắng “nhờ may mắn” nhưng điều đó không đồng nghĩa với một trận đấu “bét nhè” trước đội bóng của HLV Lư Đình Tuấn và cách thua của SHB Đà Nẵng lại dễ dẫn người hâm mộ đến những suy nghĩ đậm chất tiêu cực .

Chỉ khổ thân những đối thủ chủ yếu của CLB TP. Hồ Chí Minh trong cuộc chạy trốn khỏi nhóm xuống hạng. Bởi với họ, việc chắt chiu từng điểm một khi cuộc đua đã vào “khúc cua tử thần” là quý giá vô cùng. Đến sau lượt đấu thứ 17, ngoài Thanh Hóa gần như đã chấp nhận một kết thúc buồn thảm, cả Khánh Hòa (thứ 4, 24 điểm) cũng chưa chắc suất trụ hạng khi sự chênh lệch giữa các đội vẫn rất mong manh. Chưa kể, CLB TP Hồ Chí Minh vẫn còn trong tay 2 trận chưa đấu (cùng các đội chủ sân Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai).

Thế nhưng, trong bối cảnh của bóng đá Việt Nam, không ai dám chắc Bình Dương hay Hoàng Anh Gia Lai sẽ bung hết sức ở những trận đấu bù khi mục tiêu cao nhất gần như đã vuột thoát khỏi tầm tay của họ! Vô hình trung, sẽ có đội hưởng lợi từ những trận đấu “nối mạng” kiểu này. Ngược lại, cũng không ít đội “chết oan” khi buộc phải thi đấu sớm hơn ở những lượt đấu mang tính quyết định. Ở đây, chẳng thể chỉ mổ xẻ một thất bại của SHB Đà Nẵng trước CLB TP Hồ Chí Minh vốn không được đánh giá ngang tầm.

Ngược lại, thái độ thi đấu của SHB Đà Nẵng (áo sẫm) đang tác động rất lớn đến số phận của không ít đội bóng trong cuộc đua sinh tử.

 

Khả năng chi phối trong cuộc chiến chống xuống hạng đâu chỉ do thầy trò Lê Huỳnh Đức quyết định. Ngay như Bình Dương - đã chính thức chia tay ngôi vô địch trên thực tế - lẫn Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An hay Đồng Tâm Long An, Đồng Tháp… vẫn có thể quyết tâm ở trận đấu này hay “thiếu lửa” ở trận đấu kia. Thậm chí, đã có những dự báo về những mối quan hệ tay ba, tay tư trong cuộc vay - trả được che chắn rất khéo léo khi V-League 2009 bước vào những lượt đấu cuối.

Đến lúc này, mới thấy rằng, càng về cuối, V-League 2009 càng khó lường và hiểm họa dành cho những đội yếu thế ngày càng lớn dần. Có lẽ, không cần phải đến những lượt đấu cuối mà chỉ cần đến sau vòng đấu thứ 20, sẽ có những “vở diễn” bắt đầu xuất hiện. Đành chờ đợi những phương án “chống bão” của VFF và Ban tổ chức khi những nghi ngờ đã bắt đầu xuất hiện ở những lượt đấu vừa qua.

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.