.
VÒNG LOẠI WORLD CUP 2010:

Một điểm tới thiên đường

.

(ĐNĐT) - Tâm điểm của vòng loại World Cup 2010 là khả năng sẽ có đại biểu đầu tiên cầm vé chính thức dù vòng loại vẫn chưa kết thúc. Không phải là nơi bóng đá mang đậm dấu ấn chiến thuật ở châu Âu, không phải là nơi hào hứng như Nam Mỹ, “hoang dại” như châu Phi mà tấm vé đó, thậm chí là hai vé, sẽ thuộc về châu Á.

Úc (áo vàng) đứng trước cơ hội giành vé đầu tiên tới Nam Phi.
Chỉ cần 1 điểm nữa thôi, Úc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đoạt vé tới Nam Phi mùa hè năm sau. Đồng thời, Úc sẽ lần đầu tiên hai lần liên tiếp dự World Cup. Và khả năng đó được đánh giá lên tới trên 90% do đối thủ chỉ là Qatar quá yếu, đang nằm chót bảng.

Dù vậy, thầy trò Verbeek vẫn tỏ ra hết sức thận trọng trong chuyến đi làm khách ở Doha lần này. Thứ nhất, họ đã lên khá nhiều phương án để tìm người thay thế đội trưởng Viduka trên hàng tấn công sau khi cầu thủ này tuyên bố giã từ sự nghiệp quốc tế, trong khi Cahill, Emerton và Moore dính chấn thương, Wilkshire thụ án treo giò.

Thứ hai, đội đã sang Doha sớm để làm quen với cái nắng nóng lên tới 45 độ C và độ ẩm khá cao. Để đảm bảo tối thiểu 1 điểm, Verbeek úp mở khả năng Úc chấp nhận chơi phòng ngự phản công để giăng bẫy chủ nhà. Lão tướng Grella (Blackburn) tự tin cho biết dù chỉ cần 1 điểm nhưng các cầu thủ Uùc muốn tạo ra tiệc ăn mừng tấm vé đi Nam Phi của người dân ở quê nhà bằng một chiến thắng thuyết phục.

Dù chỉ mới thắng có một trận duy nhất trước Qatar nhưng ngần ấy vẫn đủ sức thắp hy vọng cho thầy trò Kasimov của tuyển Uzbekistan tìm lấy tấm vé dự playoff. Vị tân HLV này tỏ ra tự tin đội tuyển của ông là đội bóng mạnh nhờ có nhiều cầu thủ tài năng mà rõ nhất là Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á Djeparov nên không thể yếu hơn Nhật. Ông quyết tâm hoàn thành ước nguyện của người dân nước này là lần đầu tiên dự World Cup mà trước mắt là 3 điểm từ trận gặp đội tuyển xứ anh đào.

Nhật Bản cũng quyết tâm không kém bởi nếu thắng đội bóng Trung Á này, Nhật sẽ nối gót Úc tới Nam Phi sớm trước hai vòng đấu. HLV Nhật Okada thừa nhận chủ nhà không phải là đối thủ dễ xơi nhưng ông muốn dứt điểm tấm vé dự World Cup càng sớm càng tốt. Một lần nữa, Okada lại trông chờ vào tài nghệ của tiền vệ Nakamura ở những tình huống đá phạt như bàn thắng duy nhất trong trận thắng Bahrain.

UAE vừa thua Đức trong trận giao hữu với tỷ số 2-7. Điều đó cho thấy chủ nhà “xứng đáng” ở ngôi chót bảng với vỏn vẹn 1 điểm sau 6 trận. UAE coi như đã “thả tay” ở cuộc chạy đua lần này nhưng một khi áp lực được cởi bỏ có thể họ sẽ chơi một tưng bừng đủ sức chấm dứt 21 trận bất bại liên tiếp của Hàn Quốc. Thực chất họ muốn dùng những trận đấu ở vòng loại World Cup 2010 như là đợt “tập huấn đỉnh cao” cho Asian Cup 2011.

Đội trưởng Park Ji Sung tự tin cho biết Hàn Quốc không hề e ngại thời tiết nóng rát ở Dubai, thậm chí là toàn đội rất tự tin sẽ giành thắng lợi để tạo ra lợi thế “gần như không thể san lấp” với các đội bám sát sau bởi ngoài vị trí đứng đầu bảng họ vẫn còn một trận chưa đấu.

Lịch sử ghi nhận rằng Iran nhỉnh hơn Triều Tiên trong những lần đối đầu: 14 lần gặp nhau thì Iran bất bại với 11 thắng và 3 hoà. Tuy nhiên, thời thế bây giờ đã thay đổi khi mà thầy trò Kim Jong-hun có cơ hội đến với ngày hội bóng đá thế giới kể từ lần đầu tiên và cũng là duy nhất năm 1966. Lối chơi phòng ngự phản công của Triều Tiên được đánh giá rất cao, ngay cả trận thua Hàn Quốc lần trước được cho là do sai lầm của trọng tài khi tước bỏ của họ một bàn thắng.

Sau bao rối rắm, Iran cũng đã kịp ổn định với tân HLV Ghotbi. Do mất cùng lúc hai cầu thủ kỳ cựu nhất là Nekounam và Bagheri vì chấn thương và thẻ phạt nên Ghotbi buộc phải gọi Karimi trở lại. Ghotbi tin rằng dù khó khăn trước áp lực của 100 nghìn CĐV cùng với lối chơi quá khó chịu của chủ nhà CHDCND Triều Tiên trên sân vận động thủ đô Bình Nhưỡng nhưng Iran sẽ ra về với 3 điểm trên tay. Có vẻ như Ghotbi đang mơ hảo cho ngày ra mắt chính thức của mình?

Một số trận đấu khác:

Châu Âu: Kazakhstan - Anh, Croatia - Ukraine, Belarus - Andorra, Thuỵ Điển - Đan Mạch, Albania - Bồ Đào Nha...

Nam Mỹ: Uruguay - Brazil, Argentina - Columbia, Bolivia - Venezuela.

HẠC NGUYỄN

;
.
.
.
.
.