.

Bệnh cũ tái phát

.

Những hành xử thiếu công tâm của Ban tổ chức địa phương trong trận Nam Định gặp T&T Hà Nội dẫn đến các khiếu nại kéo dài của đội khách, lời phàn nàn và nỗi sợ hãi vì bị hăm dọa của ban huấn luyện và các cầu thủ Sông Lam Nghệ An trước trận gặp chủ nhà Hải Phòng, trước đó là những khúc mắc liên quan đến tiếng còi ở không ít trận đấu, đang vận hành trơn tru, con tàu V-League bỗng dưng chựng lại vì đủ thứ tai tiếng, tì vết.

Vụ lộn xộn trên sân Thiên Trường ngày 19-7. (Ảnh tư liệu)

Hóa ra, những êm thắm ban đầu ở những vòng đấu khởi động không che nổi bao lớp sóng ngầm chờ chực bung ra cuối mùa, chuyện muôn thuở của sân cỏ Việt Nam. Cứ tưởng vào mùa chuyên nghiệp thứ chín, giải bóng đá lớn nhất Việt Nam thoát được các căn bệnh từng đeo bám theo mình dai dẳng để hướng đến cái đích nâng chất một giải đấu có uy tín của khu vực, nào ngờ…

Nhưng buồn vì những rắc rối, khiếu kiện xảy ra trên sân một, công chúng bóng đá lại sầu trước cách hành xử của các nhà điều hành, quản lý bóng đá đến mười. Chứng kiến cách xoay xở lúng túng, thiếu dứt khoát của các nhà tổ chức, không ít khán giả thở dài thất vọng.
 
Từ chuyện “mổ băng” thẩm định chất lượng tiếng còi trọng tài trên sân Cần Thơ đến việc xử lý sự cố cầu thủ đội khách trên sân Thiên Trường bị rượt đánh hay hiện tượng kẻ lạ hăm dọa, áp đảo tinh thần cầu thủ Sông Lam Nghệ An trước trận gặp Hải Phòng, những người có trách nhiệm điều hành V-League đều bộc lộ dấu hiệu thiếu chuyên nghiệp hoặc không dám nhìn thẳng sự thật để đối mặt với tiêu cực.

Lại xuất hiện cảnh “ông nói gà bà nói vịt” trong nội bộ Ban tổ chức khi nhìn nhận một vụ việc, kéo theo những quyết định thiếu tính thuyết phục. Lại diễn ra chuyện đánh giá, nhìn nhận các sự cố không phải bằng cái nhìn khách quan, trung thực- điều cần thiết ở các nhà điều hành cấp cao- mà bằng nhãn quan có lợi cho mình, bất chấp sự phẫn nộ, bức xúc của công chúng, miễn sao mùa giải “ thành công tốt đẹp”. Chuyện ông trưởng giải, dù có mặt trên sân Thiên Trường, vẫn cố tình làm nhẹ vụ việc xảy ra sau trận Nam Định- T&T Hà Nội là một điển hình mới nhất về căn bệnh nể nang, ngại đụng chạm dù biết rằng hành xử như vậy là kéo lùi tiến trình chuyên nghiệp hóa bóng đá.

Thật có lý khi có người lo ngại rằng chất lượng chuyên môn của V-League ngày càng tiến bộ, song dường như bộ máy điều hành giải đấu này chưa theo kịp để song hành. Người ta chỉ ra vẻ mỏng manh của đội ngũ cầm cân nảy mực trong những trận đấu lớn đầy rẫy sức ép, thái độ cục bộ, thiếu công tâm của một số ban tổ chức địa phương, vẻ ù lì thiếu chính kiến của vài quan giám sát- những lực cản khó chịu trên con đường bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp. Bây giờ, với cách hành xử cả nể, thiếu cương quyết của một số quan chức quản lý cấp cao, công chúng có thêm dữ liệu lo ngại về tương lai của một giải bóng đá mang tiếng chuyên nghiệp nhưng được điều hành bởi một bộ máy chưa chuyên nghiệp.

Sự khinh suất và yếu kém ở cơ quan điều hành có thể dẫn đến nguy cơ mất lòng tin trong nhiều bộ phận thành viên vốn đang dồn sức vì một nền bóng đá có chất lượng, trong đó có các đội bóng, các huấn luyện viên và cầu thủ ngày ngày nhủ lòng chơi bóng trung thực, hết mình. Có phải vì vậy mà dù trưởng ban tổ chức xem chuyện ở sân Thiên Trường là “ chẳng có gì lớn” thì T&T Hà Nội vẫn quyết làm cho ra lẽ bằng cách đòi phía chủ nhà Nam Định công khai xin lỗi và bồi thường, nếu không, họ sẽ khiếu nại tận cấp bộ? Cũng đúng thôi, khi Ban tổ chức không đủ sức tạo dựng niềm tin thì các đội bóng chỉ còn cách đi tìm công lý ở cấp cao hơn.

Bệnh cũ tái phát rồi, mức độ đe dọa khác chi bao mùa trước!

Nguyễn Đình Xê

 

;
.
.
.
.
.