.

Chen chân trụ hạng

.

Đến hết lượt đấu thứ 20, với 6 vòng đấu còn lại, cơ hội vượt thoát khỏi khu vực nguy hiểm vẫn còn mở ra cho cả Hoàng Anh Gia Lai, Nam Định (cùng 24 điểm) cũng như TP. Hồ Chí Minh lẫn Quân khu 4 (cùng 22 điểm). Ngược lại, dù đang nằm trong khu vực an toàn, nhưng nguy cơ bị níu chân vẫn còn đeo đẳng cả đội xếp hạng 5 Bình Dương cũng như Đồng Tháp, Xi-măng Hải Phòng và Khánh Hòa (với cùng 28 điểm).

Thiếu quá nhiều yếu tố để trụ hạng, Thanh Hóa (áo trắng) hầu như đã không còn hy vọng bảo vệ phiên hiệu của mình…

Chưa bao giờ, V-League lại có tình trạng “chật chội” trong “vùng nguy hiểm” như lần này. Từ đầu mùa, HLV Vũ Quang Bảo đã khẳng định: “Quân khu 4 không nhiều tiền thưởng, nhưng tinh thần sẽ là vũ khí chiến đấu của chúng tôi”. Quả thật, sau lượt đi, Quân khu 4 đã tạo nên một “hiện tượng” khi chiếm 1 trong 3 vị trí dẫn đầu. Thế nhưng, sau 7 vòng đấu ở lượt về, đội bóng quân đội này chỉ hòa 1 và thua đến 6 trận liên tiếp. Trong lúc đó, từ vị trí “đèn lái”, T&T Hà Nội đã có những bước tiến thần kỳ để tạm thời vươn lên vị trí thứ 3.

Ở chiều hướng khác, TP. Hồ Chí Minh rồi Nam Định vẫn chưa cho thấy những tín hiệu lạc quan trong cuộc đua trụ hạng. Oái oăm hơn nữa khi Hoàng Anh Gia Lai - một “đại gia” - cũng phải vùng vẫy để thoát vùng nguy hiểm. Trong lúc đó, Thanh Hóa gần như không còn nhiều cơ hội cho dù họ đã có một khởi đầu khá tốt đẹp.

Đến lúc này, những đội bóng đang nằm trong vùng nguy hiểm đều phải nỗ lực hết mình, bởi cuộc đua đang vào giai đoạn quyết liệt, căng thẳng nhất. Chính vì vậy, những khoản tiền thưởng cao ngất ngưởng như là một mệnh lệnh cho gần 10 đội bóng đang có mặt tại sân chơi V-League 2009.  T&T Hà Nội, sau trận thắng Đồng Tháp, toàn đội đã nhận được gần 1 tỷ đồng tiền thưởng; trong đó, những cầu thủ ghi 2 bàn thắng như Công Vinh, Agostinho được nhận khoảng 60 triệu đồng/người, những cầu thủ khác ra sân ở đội hình 1 cầm chắc vài chục triệu đồng trong tay.
 
Thanh Hóa thì ở chiều ngược lại. Cái mớ lùng nhùng nợ lương, nợ thưởng của ông bầu cũ Nguyễn Văn Lý khiến những đôi chân cầu thủ không thể chạy một khi cái đầu không thanh thoát. Bước vào sân chơi chuyên nghiệp, Quân khu 4 dần hiểu ra, cầu thủ không thể “chạy” chỉ bằng tinh thần và những lời động viên, hô hào suông. Mức thưởng đến 50 triệu đồng mỗi trận thắng của Quân khu 4 không hẳn đã thấp nhưng là “bé tẹo” nếu đem so với mức thưởng 500-700 triệu đồng cùng khoản tiền tỷ mà những “đại gia” có được cho mỗi trận thắng.

Trong cuộc vượt thoát nguy cơ xuống hạng lúc này, cơ hội của Quân khu 4 và TP. Hồ Chí Minh so với Nam Định và các đội khác xem chừng khá mong manh. Không chỉ yếu về lực lượng, những khoản tiền thưởng để động viên sĩ khí còn quá nghèo nàn, thầy trò Lư Đình Tuấn còn gặp phải khó khăn về lịch thi đấu. Sau khi gặp chủ nhà Quân khu 4, TP. Hồ Chí Minh còn phải làm khách tại Hải Phòng rồi Nam Định, là những đối thủ chủ yếu của họ trong cuộc chiến chống xuống hạng. Ngược lại, Quân khu 4 có thể hy vọng tìm kiếm tối thiểu một suất play-off do đối thủ của họ hoặc là các đội khách (TP. Hồ Chí Minh, Xi-măng Hải Phòng), hoặc là những đội chủ sân không còn nhiều mục tiêu (Thanh Hóa, Thể Công, Khánh Hòa).

Dù không chủ quan, nhưng đến lúc này, đã có thể hình dung về một viễn cảnh khi V-League 2009 kết thúc với việc một trung tâm bóng đá mạnh như TP. Hồ Chí Minh sẽ không còn đại diện tại V-League 2010. Bởi bóng đá Việt Nam, thành tích không chỉ căn cứ vào thực tế thi đấu mà còn bị chi phối bởi những mối quan hệ từ bên ngoài sân cỏ.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.