.

Trần Vũ - Long đong cùng trái bóng

.

Dù yêu hay ghét, nhưng không ai có thể phủ nhận việc Trần Vũ là một “công thần” thực sự của bóng đá QN-ĐN trước kia lẫn bóng đá Đà Nẵng ngày nay.

Trần Vũ từng một thời là nỗi kinh hoàng của mọi hàng phòng ngự.

Sau ngày đất nước thống nhất, vừa đam mê túc cầu, vừa theo tiếng gọi của bóng đá quê hương, chàng sinh viên Đại học Phú Thọ Trần Vũ đã giã từ giảng đường và cùng Nguyễn Nho Đức (cùng CLB Lữ Gia), Phan Trọng Quang, Nguyễn Văn Minh (Không đoàn Kỹ thuật)… trở về Đà Nẵng làm những hạt giống đầu tiên cho bóng đá sông Hàn.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, đội tuyển Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN) được thành lập và tại giải Bóng đá Trường Sơn “Mừng Tổ quốc thống nhất 1976”, Trần Vũ đã khẳng định được vị trí của mình với 10 bàn thắng, đoạt ngôi “Vua phá lưới” và cùng đội tuyển QN-ĐN mang về chiếc Cúp Vô địch cho quê hương. Năm 1982, dưới màu áo Cảng Đà Nẵng, Trần Vũ cùng lứa đàn em Lê Văn Sinh, Nguyễn Thiên, Trương Văn Lợi, Hoàng Kim Tuấn… đưa Đà Nẵng ngồi vào “chiếu trên” của bóng đá Việt Nam.

Sự nghiệp cầu thủ của Trần Vũ kết thúc không êm ả khi lần cuối cùng - trong số 3 lần được thi đấu trận chung kết giải Bóng đá A1 toàn quốc (1987, 1990, 1991) - đội QN-ĐN đã thúc thủ trước chủ nhà Hải Quan trong một trận cầu đầy nghi vấn.

Thế nhưng, chỉ một năm sau (1992), Trần Vũ đã mang lại cho bóng đá QN-ĐN danh hiệu chính thức đầu tiên trong vai trò HLV sau khi thay thế người thầy của mình là HLV lão làng Vũ Văn Tư. Trong trận chung kết, QN-ĐN đã vượt qua Công an Hải Phòng 2-0, đăng quang ngôi Vô địch các đội mạnh toàn quốc. Năm 1993, QN-ĐN tiếp tục tạo dấu ấn bằng chiếc Cúp Quốc gia sau thắng lợi 2-1 trước Tổng cục Đường sắt. Tiếc rằng, những vấn đề nội bộ đã buộc Trần Vũ phải chia tay các học trò. Mãi đến mùa giải 2000-2001, thay HLV Trần Văn Phúc, Trần Vũ lại góp công đưa Đà Nẵng lên hạng.

Thế nhưng, bậc “công thần” này đâu biết, phía trước mình là những bất trắc.

Không thể đổ tội cho mỗi anh nhưng rõ ràng, Trần Vũ không thể không có trách nhiệm trong những trận đấu với kịch bản “vay - trả, xin - cho”. Thậm chí, mùa giải 2003, Đà Nẵng lập một kỷ lục kém vui khi chỉ kiếm được 1 điểm trên sân khách trước LG Hà Nội ACB! Hai năm sau, Trần Vũ mới được trở lại đội 1 - sau Ken Morton rồi ông Lê Thụy Hải - nhưng chỉ ở dạng “tạm quyền” cho đến khi HLV Lê Thụy Hải chính thức chia tay Đà Nẵng vì “sự cố SEA Games 2005”.

Thừa kế gia tài của người tiền nhiệm, lượt đi, Trần Vũ dẫn dắt Đà Nẵng thắng như chẻ tre, lên ngôi đầu bảng, bỏ xa hàng loạt đối thủ chủ yếu. Song ở lượt về, Đà Nẵng bắt đầu “rơi tự do” với 5 trận đầu thua liên tiếp, để rồi chung cuộc đứng thứ 7 khi chỉ kiếm nổi 10 điểm sau 13 trận lượt về. Trần Vũ thừa biết, không ít trụ cột đã dám “bán đứng” cả đội bóng nhưng chẳng thể lên tiếng khi cách làm bóng đá bao cấp cứ như một rào cản...

Trước khi nhận chức Giám đốc Kỹ thuật để nhường ghế lại cho Phan Thanh Hùng, Trần Vũ cũng kịp bổ sung vào phòng truyền thống của bóng đá Đà Nẵng chiếc Cúp Vô địch giải Bóng đá Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006).

Sau 3 trận không thành công ở V-League 2008, cả Trần Vũ lẫn Phan Thanh Hùng đều bị phế truất. Phẫn uất đến độ, người đàn ông này phải chạy ra sân Chi Lăng, ngửa mặt lên trời ta thán: “Mấy chục năm cống hiến cho bóng đá Đà Nẵng, giờ người ta vứt ra đường thế này sao?”. Sau đận ấy, trung phong lừng lẫy một thời của bóng đá QN-ĐN bị “đẩy” xuống làm đội U-17.

Khi được biệt phái vào Quảng Nam đảm trách vai trò Giám đốc Kỹ thuật, dường như Trần Vũ đã tìm lại được niềm vui. Vậy mà, sau đó, Quảng Nam quá bê bết, Trần Vũ lại “bị” lên làm HLV trưởng. “Họa vô đơn chí”, việc trọng tài “nhắm mắt làm ngơ” trên sân Ninh Bình đã đẩy người đàn ông tuổi Ất Mùi này vào thế khó.
 
Ở tuổi 54, với hơn 30 năm lăn lộn cùng trái bóng nhưng vẫn long đong đến gần cuối đời, chẳng biết bao giờ cuộc đời bóng đá của Trần Vũ mới thực sự hanh thông? Thôi thì đành chờ xem khi cơ hội hẳn sẽ không bỏ rơi những ai nỗ lực và thực sự có cái Tâm trong sáng!

BẢO AN

;
.
.
.
.
.