.

Cái tình ở bóng đá sông Hàn

.

Ngay trong thời khắc kết thúc trận đấu với chiến thắng trước Nam Định (ngày 2-8) để giành ngôi vô địch V-League 2009 trước 3 vòng đấu, nhà cầm quân Lê Huỳnh Đức không bộc lộ niềm vui như bao thành viên khác của SHB Đà Nẵng. Hẳn trong anh, ký ức của những ngày tháng tưởng chừng đen tối nhất của cuộc đời bóng đá lại hiện về. Không oán trách nhưng đầy cay đắng, Lê Huỳnh Đức nhớ lại:

Bóng đá Đà Nẵng đã mang lại cho Lê Huỳnh Đức (người nâng cúp) niềm vui hôm nay… 

- Ngày chia tay bóng đá TP. Hồ Chí Minh, tôi phải nuốt nước mắt vào trong vì những oan khuất. Khi chưa biết sẽ đi đâu, về đâu, chú Thanh (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh) đã gọi về. Tình nghĩa của vùng đất, con người Đà Nẵng đã giúp tôi được sống lại với bóng đá và đã giữ chân tôi đến hôm nay. Với tôi, Đà Nẵng đã là quê hương thứ hai.

Không ai nghi ngờ những phát biểu của nhà cầm quân SHB Đà Nẵng, dù trong bối cảnh hiện nay, bóng đá bị chi phối rất lớn bởi những giá trị vật chất. Chẳng đâu xa, khi lượt về V-League 2009 đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, đã có rất nhiều thông tin chung quanh việc tiền đạo Almeida đòi ra đi. Thế nhưng, cuối cùng Almeida vẫn chấp nhận tái ký hợp đồng cùng SHB Đà Nẵng khi chính cái tình của bóng đá Đà Nẵng đã níu giữ chân anh. Cũng phải thôi khi trong quãng thời gian dài bị chấn thương, lãnh đạo CLB đã quan tâm hết mực, tạo mọi điều kiện để Almeida điều trị và dưỡng thương. Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa nhận xét:

Dù đang chấn thương và không thể ra sân thi đấu, nhưng Almeida vẫn được CLB chia thưởng ở chế độ loại 1. Với các ngoại binh, lãnh đạo CLB thường xuyên quan tâm nhằm giúp họ hòa nhập tốt hơn với cuộc sống ở đây. Với riêng Almeida, sau khi chấp thuận ở lại với những điều khoản được thống nhất, chúng tôi đang có hướng nhập tịch cho anh ta.

Đáp lại, các ngoại binh cũng luôn dành cho bóng đá Đà Nẵng một cái nhìn đầy thiện cảm. Trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng mới, tiền đạo Merlo Gaston vui vẻ phát biểu: “Tôi yêu cuộc sống ở Đà Nẵng. Mọi người ở đây đều hòa đồng và dễ gần. Thế nên, tôi không có quá nhiều đắn đo khi ký vào bản hợp đồng mới”.

Còn nhớ, sau khi bị kỷ luật do “sự cố SEA Games 23”, trung vệ Trần Hải Lâm từng nói như một lời tâm sự: “Sự cưu mang của bóng đá Đà Nẵng với chúng tôi như một cái ơn quá lớn. Vì thế, tôi sẵn sàng phục vụ bóng đá Đà Nẵng mà không cần những điều kiện kèm theo…”.

Hay như việc thủ môn kỳ cựu Võ Văn Hạnh phân vân về tương lai sau V-League 2009 rồi cũng nhanh chóng được giải quyết thỏa đáng. Không chỉ tái ký hợp đồng với thời hạn 2 năm cùng một khoản tiền chuyển nhượng hợp lý, Võ Văn Hạnh còn được tạo điều kiện tối đa để vừa có thể thi đấu, vừa tham gia khóa đào tạo HLV bằng C. Trong một tương lai không xa, khi không còn thi đấu, thủ môn này gần như có một vị trí chắc chắn trong vai trò HLV thủ môn, cùng với đàn anh Trương Văn Lợi.

Sự thành công của SHB Đà Nẵng luôn gắn liền với sự nhiệt thành của người hâm mộ sông Hàn.

 

Cái tình ấy còn được vun đắp thêm bởi người hâm mộ bóng đá sông Hàn đã tiếp thêm sức mạnh cho SHB Đà Nẵng ở các trận đấu tại sân Chi Lăng để tại V-League 2009, thầy trò Lê Huỳnh Đức là đội duy nhất - đến lượt đấu thứ 25 - bất bại trên sân nhà. Cứ nhìn cảnh giới cổ động viên bồn chồn khi SHB Đà Nẵng thi đấu xa “hậu cứ” hay sự náo nức giữa những ngày lịch sử của bóng đá Đà Nẵng vừa qua, mới hiểu rõ hơn vì sao Đà Nẵng lại là vùng “đất lành” cho bóng đá.

Trong bối cảnh bóng đá được định giá bằng tiền, Đà Nẵng vẫn có cách làm mang tính đặc thù. Bởi cái tình, đôi lúc lại thôi thúc con người mạnh mẽ hơn vì không hẳn tiền bạc đủ mang lại một giá trị bền vững.

BẢO AN

 

;
.
.
.
.
.