.

Đánh vào xác chết

.

“Đánh vào xác chết” là ví von của Văn Sỹ Hùng, huấn luyện viên Câu lạc bộ Sài Gòn United khi nhận xét về hình phạt vừa được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra trước sai phạm của Câu lạc bộ STN Quảng Ngãi ở giải hạng nhất quốc gia. Cựu tiền đạo của đội tuyển Việt Nam - trong một phát biểu đăng trên báo Thể thao & Văn hóa ngày 29-7- ngụ ý mỉa mai chuyện buộc một đội bóng chắc chắn phải xuống hạng (STN Quảng Ngãi đang xếp cuối bảng, nắm chắc một suất xuống hạng) chẳng khác nào quất đòn roi vào một thây ma vô cảm. Mấy chục triệu tiền phạt kèm theo nào có thấm béo gì so với những tốn kém mà một đội bóng phải bỏ ra trong hành trình trần ai đuổi theo trái bóng V-League hay hạng nhất!

Hình phạt của LĐBĐ Việt Nam cho đội STN Quảng Ngãi là tâm điểm của Giải bóng đá hạng nhất năm nay. (Ảnh tư liệu)

Càng ngẫm, công chúng bóng đá Việt Nam càng thấy chất chua cay, ngán ngẩm trong lời ta thán của một người từng lăn lộn với bóng đá như Văn Sỹ Hùng. Càng ngẫm, càng thấy đúc kết này lột tả phần nào cách làm của nhiều nhà điều hành bóng đá nước nhà. Quả thực, xưa nay, VFF vẫn mang tiếng nhát gan, không dám nhìn thẳng sự việc vì sợ trách nhiệm. Tính cả nể, thiếu tự tin, không dám quyết đoán dù vụ việc nằm trong quyền hạn và chức trách đã khiến nhiều lần cơ quan này miễn cưỡng tung ra những bản án thuộc dạng “ giơ cao đánh khẽ” khiến công chúng nhiều phen nực cười. Đơn cử mới nhất là án phạt dành cho “cổ động viên” Nguyễn Văn Dịu khi anh này nhảy bổ vào sân Nam Định truy đuổi, hành hung đội khách trong một trận đấu ở V-League.

Nhờ án phạt này mà Ban tổ chức địa phương cùng nhiều quan chức có trách nhiệm khác làm nhiệm vụ trên sân thoát hiểm ngoạn mục. Sau lần xử lý này, không ít người tinh ý hiểu rằng những tuyên bố hùng hồn mà nhiều quan chức đưa ra trước đó chỉ là để nói cho oai, chứ kỳ thực thì VFF vẫn là VFF, cứ nhát gan và chẳng dám phạt ai cho ra trò. Án phạt dành cho tội bỏ cuộc giữa chừng của đội STN Quảng Ngãi trông có vẻ dữ dằn như vậy - lần đầu tiên kể từ sau hình phạt loại khỏi giải, cấm thi đấu 2 năm đối với chuyện rượt đuổi trọng tài của đội Vĩnh Long mùa giải 1999-2000 - nhưng kỳ thực lại nhẹ hều và chẳng làm mếch lòng ai. Đòn roi nhưng không làm con trẻ thấy đau ( vì “đứa trẻ” ấy trên thực tế đâu còn thở) để lần sau chớ tái phạm, quả là một hình phạt thuộc dạng cao kiến!

Nhưng như bình luận của chuyên mục thể thao 24/7 trên VTV tối 28-7 thì những người sáng tác ra các loại hình phạt và cách xử lý này không hề ngây thơ hay thiếu tự tin chút nào. Tất cả đều nằm trong tính toán đường dài của nhiều quan chức liên đoàn không muốn thấy mình bị đánh bật ra khỏi chỗ ngồi ấm áp trong bộ máy lãnh đạo VFF tại cuộc bầu cử ở đại hội sắp tới. Sự cố cứ mặc sự cố, bổn phận khôn ngoan của họ là tìm cho được cách xử lý sao cho vừa xoa dịu nỗi bất bình của công chúng vừa không làm tổn thương các cử tri cầm lá phiếu ở đại hội sắp diễn ra.

Vậy thì đừng ngạc nhiên khi người ta thích làm những chuyện chẳng hào hứng gì như việc hì hục quất roi vào mông một thân thể không còn biết đau, đừng thắc mắc vì sao đã là mùa chuyên nghiệp thứ 9 rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng bóng đá chuyên nghiệp.

Mơ ước của huấn luyện viên Văn Sỹ Hùng rằng hình phạt phải có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế hành vi coi thường điều lệ, nội quy xem ra còn lâu mới thành hiện thực. Cả lời dọa dẫm của “little boy”(biệt danh mà báo chí khu vực dành cho Văn Sỹ Hùng thời hoàng kim) rằng, không chừng đội của anh cũng noi theo STN Quảng Ngãi để làm bậy ở những vòng đấu tới, dường như cũng chẳng thức tỉnh được ai…

Nguyễn Đình Xê

 

;
.
.
.
.
.