.

Sự khởi đầu đầy ấn tượng

.

(ĐNĐT) - Nếu chức vô địch năm 1992 là sự gặt hái của một thế hệ vàng khi đã lên đến “đỉnh” thì chức vô địch 2009 của bóng đá Đà Nẵng lại là sự khởi đầu của một HLV lẫn lứa cầu thủ vừa bước vào độ chín, đang tràn đầy khát khao chinh phục những đỉnh cao mới.

Với lứa cầu thủ tài năng vừa vào độ chín như Phước Vĩnh...

Trong không khí vỡ oà niềm vui đón mừng chức vô địch quốc gia sau 17 năm dài chờ đợi, khán giả Đà Nẵng vẫn dõi mắt tìm và thấy những Minh Toàn, Thông Tân, Thông Tuân, Thanh Hùng, Công Thìn, Văn Sinh… có mặt trên sân Chi Lăng cùng chung vui với lớp đàn em. 17 năm trước, những cái tên lừng lẫy một thời ấy từng đưa chiếc cúp về với khán giả bên sông Hàn. Và nay thì họ được mãn nguyện khi nhìn thấy lớp đàn em viết tiếp trang sử hào hùng của bóng đá xứ Quảng.

Nhưng vẫn còn một lớp đàn anh của những Toàn, Hùng, Sinh, Thìn…, cũng từng đem lại vinh quang cho bóng đá Đà Nẵng 33 năm trước mà một trong những đại diện vẫn còn gắn bó với bóng đá cho đến hôm nay là Trần Vũ, người đội trưởng từng nâng cao chiếc cúp vô địch giải Trường Sơn năm 1976, chiếc cúp đầu tiên mà bóng đá Đà Nẵng gặt hái được sau ngày đất nước thống nhất, chính thức ghi tên bóng đá xứ này lên bản đồ bóng đá Việt Nam và cùng nếm trải biết bao thăng trầm trong hơn 30 năm qua.

Trần Vũ bây giờ đang được SHB Đà Nẵng (SHB.ĐN) biệt phái vào làm HLV giúp đội Quảng Nam anh em trong cuộc đua trụ hạng. Tuy nhiên, trong trận đấu sống còn với đối thủ trực tiếp Sài Gòn United ngay trên sân nhà Tam Kỳ chiều hôm trước, Quảng Nam đã để thua đậm tới 1 - 3 và phải đối mặt với nguy cơ rớt hạng lớn hơn bao giờ hết.

Thế nhưng nỗi buồn đó không ngăn được HLV này đến sân Chi Lăng, tìm cho mình một góc lặng lẽ để chứng kiến lứa cầu thủ thuộc vào lớp cháu một lần nữa viết nên lịch sử cho bóng đá Đà Nẵng. Không nói gì nhiều, ông chỉ chăm chú dõi theo từng đường bóng, để rồi khi niềm vui vỡ oà trên khắp các khán đài thì ông cũng lặng lẽ quay mặt lau vội giọt nước mắt. Giọt nước mắt của một Vũ “đen” từng một thời oanh liệt trên khắp sân cỏ cả nước, không chỉ vinh quang mà còn từng biết bao lần phải nếm trải trái đắng cùng bóng đá Đà Nẵng, chứa đựng thật nhiều điều!

Có cái gì đó gần như là một chu kỳ với bóng đá Đà Nẵng gắn liền cùng con số 16 – 17 năm hay không nhỉ? 16 năm sau khi đoạt chức vô địch giải Trường Sơn, bóng đá Đà Nẵng mới lên được ngôi vô địch quốc gia. Và phải mất thêm 17 năm sau, vinh quang đó mới trở lại một lần nữa. Xét về mặt thời gian, có lẽ đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng trong hai chặng đường gần như bằng nhau đó lại cũng có rất nhiều điểm tương đồng.

Năm 1976, bóng đá Đà Nẵng vô địch giải Trường Sơn với một loạt tên tuổi mà đến bây giờ, khi nhắc lại vẫn còn khiến nhiều người hâm mộ bóng đá nể phục. Đó là không chỉ là trung phong Trần Vũ mà còn là tiền đạo chạy cánh Thành “ghe”, tiền vệ thêu hoa dệt gấm Phan Trọng Quang, tiền vệ thư sinh nhưng có những cú “ngã bàn đèn” đẳng cấp Nguyễn Nho Đức, trung vệ thép Chức “đen”, thủ môn “bà nhập” Thái Long…

16 năm sau, bóng đá Đà Nẵng tiếp tục sản sinh ra lứa cầu thủ mà cho đến nay vẫn được coi là “thế hệ vàng” với những Phan Thanh Hùng, Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn, Lê Văn Sinh, Bùi Thông Tân, Bùi Thông Tuân, Nguyễn Phương Trung, Trương Văn Lợi… Mỗi người trong số họ đều là một tên tuổi thật sự trong làng bóng đá Việt Nam thời điểm đó. Đến nỗi có lúc trong thành phần đội tuyển quốc gia Việt Nam có đến… 11 cầu thủ đội QN-ĐN góp mặt, một kỷ lục mà đến bay giờ vẫn chưa có đội bóng nào vượt qua được.

Nhưng nguyên nhân nào khiến bóng đá Đà Nẵng sau khi lên đỉnh cao vinh quang với các lứa cầu thủ trên thì không còn giữ được vị thế của mình, thậm chí còn tuột dốc không phanh? Sẽ có không ít lý do được nêu ra nhưng có một điều hết sức quan trọng là tiếp sau những lứa cầu thủ tài danh đó, bóng đá Đà Nẵng luôn hiện diện một khoảng trống mênh mông ở lớp cầu thủ kế cận.

Sau lớp cầu thủ giải Trường Sơn năm 1976, bóng đá Đà Nẵng gần như không nổi lên được cái tên nào đáng kể và cứ thế chìm dần. Mất đến một thập kỷ rưỡi sau, với sự xuất hiện của các HLV Lê Đình Chính và Vũ Văn Tư, bóng đá Đà Nẵng mới có lại được thế hệ vàng của Phan Thanh Hùng. Nhưng thế hệ này đoạt chức vô địch khi đã “quá chín” sau rất nhiều lẫn lỗi hẹn, và chỉ một thời gian ngắn sau thì họ không còn ở đỉnh cao phong độ, lại thêm chuyện dây dưa vào những “liên minh mà quỷ” để rồi lãnh trọn cú “lật kèo thế kỷ”, phải xoá đi làm lại từ đầu.

Đến lúc này, những người làm bóng đá ở Đà Nẵng mới ngỡ ngàng nhận ra một chuyện… không mới. Đó là họ hầu như chẳng có cầu thủ trẻ nào đủ sức thế chỗ lớp đàn anh. Đành phải chấp nhận cảnh “đập dập kéo lết”, lên hạng rồi lại xuống hạng với giàn cầu thủ thường thường bậc trung.

... và Quốc Anh, bóng đá Đà Nẵng hứa hẹn sẽ còn tiến xa. Ảnh: B.A

Điểm khác biệt là từ thời điểm đó, những người làm bóng đá ở Đà Nẵng đã nhận ra vấn đề và tập trung toàn lực cho công tác đào tạo trẻ. Quả ngọt đầu mùa đã đến với họ khi lần đầu tiên giành chức vô địch giải U.21 quốc gia năm 2003. Từ đây, tuy vẫn chưa đạt được đỉnh cao nhất của bóng đá Việt Nam nhưng bóng đá Đà Nẵng bắt đầu được nhìn nhận như một trung tâm đào tạo trẻ có uy tín. Cũng từ đây bắt đầu cho ra đời lứa cầu thủ nay đang là trụ cột của SHB.ĐN như Quốc Anh, Phước Vĩnh, Thanh Phúc…

Thật hạnh phúc cho bóng đá Đà Nẵng là khi lứa cầu thủ đó mới chỉ vừa vào độ chín thì họ đã lại đoạt thêm một chức vô địch U.21 năm 2008, để rồi những Văn Học, Thanh Hưng, Nguyên Sa, Văn Mẹo… tuy vẫn còn xấp xỉ độ tuổi U.21, U23 nhưng đã là những nhân tố quan trọng trong lực lượng nội binh của SHB.ĐN giành chức vô địch vừa qua, thậm chí có người đã góp mặt vào đội tuyển quốc gia và được hy vọng sẽ là nòng cốt của đội U.23 VN tại Sea Games sắp tới.

Có thể nói trong nhiều điều kiện thuận lợi được tạo ra để Lê Huỳnh Đức trở thành HLV trẻ nhất đoạt chức vô địch quốc gia thì việc anh được thừa hưởng sản phẩm từ lò đào tạo trẻ của Đà Nẵng là rất quan trọng. Những Phan Thanh Hùng, Phan Công Thìn, Bùi Thông Tân, Võ Phước, Phan Thanh Đức, Lê Văn Hà… âm thầm đóng vai trò của người tuyến sau, mài giũa những viên ngọc thô để HLV Lê Huỳnh Đức có nguồn nhân lực dồi dào tuyển chọn cho đội hình 1.

Đây cũng là lần đầu tiên sau thế hệ vàng năm 1992, đội Đà Nẵng mới lại có số lượng cầu thủ được đào tạo tại chỗ chiếm áp đảo trong đội hình, chứ không chỉ dựa hết vào các cầu thủ “đá thuê” đến từ các nơi như nhiều năm trước đó. Chính điều này đã khiến cho SHB.ĐN thi đấu có bản sắc, vì màu cờ sắc áo hơn hẳn. Hơn nữa, với lực lượng tại chỗ dồi dào, HLV Lê Huỳnh Đức cũng dễ dàng áp dụng các biện pháp kỷ luật sắt mà không ngại sự trở chứng của một vài ngôi sao nào đó. Đó cũng là một điều kiện thuận lợi mà không mấy HLV bản địa hoặc từ nơi khác đến Đà Nẵng có được.

Và điều quan trọng nữa, như nhận định của các chuyên gia, người ta đánh giá lứa cầu thủ trẻ của Đà Nẵng phải vài năm nữa mới chín, không ngờ lại chín nhanh đến vậy. Cũng có nghĩa lứa cầu thủ này sẽ còn tràn đầy “năng lượng” cho nhiều cuộc chinh phục tiếp theo chứ không phải là hình ảnh của lứa đàn anh sau chức vô địch năm 1992.

Một trong những mục tiêu chinh phục đó đã được đặt ra từ cuộc họp khởi động cho lượt về, sau khi SHB.ĐN vô địch lượt đi. Đó là vươn ra tầm khu vực và thế giới. Những bước đi cụ thể từ đầu tư cơ sở vật chất, bộ máy vận hành đến công tác đào tạo trẻ… đã bắt đầu được tính toán cho tầm nhìn vượt khỏi biên giới quốc gia.

Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho HLV Lê Huỳnh Đức và giàn cầu thủ trẻ của anh. Bởi vậy, có thể nói, nếu chức vô địch năm 1992 là sự gặt hái của thế hệ vàng khi đã lên đến “đỉnh” của độ chín thì chức vô địch 2009 lại là sự khởi đầu của một HLV lẫn lứa cầu thủ vừa bước vào độ chín, đang tràn đầy khát khao chinh phục những đỉnh cao mới. Nên có thể tin rằng, chức vô địch vừa giành được sẽ là bệ phóng cho bóng đá Đà Nẵng tiếp tục vươn cao hơn trong tương lai.

Thanh Hưng

;
.
.
.
.
.