.

Xin chào nhà vô địch

.

Cuối cùng, những khát khao, mơ ước kéo dài đến 6.289 ngày cũng thành hiện thực với người hâm mộ bóng đá sông Hàn. Đà Nẵng đã có ngôi vô địch lần thứ nhì trong lịch sử bóng đá của mình. Đã có quá nhiều cung bậc cảm xúc khi những đợi chờ, mong ngóng đến mỏi mòn rồi cũng được đáp đền tương xứng.

Người hâm mộ đã tôn vinh Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh như thế.


Những chiếc Cúp tự tạo của người hâm mộ trong thời khắc ấy cũng đáng quý, đáng trân trọng với thầy trò Lê Huỳnh Đức. Bởi, phải đến sau lượt đấu thứ 25 với Khánh Hòa trên sân nhà (ngày 16-8), các thành viên SHB Đà Nẵng mới được vinh dự đón nhận chiếc Cúp Vô địch V-League 2009 thực sự.

Khu vực trước sân Chi Lăng cứ nóng dần lên khi thời khắc lịch sử đến gần hơn với bóng đá Đà Nẵng. Sắc cam nhuộm thắm cả con đường Ngô Gia Tự, phía trước sân Chi Lăng như thể hiện sự nhiệt thành vốn có của người Đà Nẵng với bóng đá quê hương.

Chiều 16-8 được ghi nhận như một trang mới của bóng đá sông Hàn khi chiếc Cúp Vô địch V-League 2009 đã được Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ trân trọng chuyển cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh trước khi Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT&DL Lê Nguyên Hồng cùng Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa được vinh dự đón nhận và trao cho đoàn tuần hành, rước Cúp qua nhiều đường phố chính của Đà Nẵng.

Đúng 15 giờ, thời khắc đầy cảm xúc đã được tái hiện một lần nữa khi chiếc Cúp được đoàn mô-tô hộ tống đưa vào sân Chi Lăng với sự phấn khích cao độ của hàng vạn người hâm mộ đang có mặt trên bốn phía khán đài.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL cùng lãnh đạo CLB SHB Đà Nẵng nhận chiếc Cúp từ Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh (bên trái).


Không được hòa vào niềm vui chung như bao người hâm mộ do phải đi công tác xa, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại BQ Phan Hải bộc lộ sự nuối tiếc: “Hạnh phúc khi đội bóng quê hương vô địch nhưng rất tiếc khi không thể được chứng kiến thời khắc lịch sử của bóng đá Đà Nẵng hôm nay. Nhưng... chúng tôi vẫn tự hào với hạnh phúc lớn nhất khi SHB Đà Nẵng thành công với nền tảng là các cầu thủ Đà Nẵng.

Kết quả ấy chứng tỏ sự phát triển bền vững của bóng đá quê hương khi có định hướng phát triển đúng đắn. Hơn thế nữa, ở mùa giải này, Đà Nẵng là một trong số các đội được đánh giá đã “dám chơi”,  và chơi thứ bóng đá “sạch”. Song khi nhìn về tương lai, vẫn cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo để bóng đá Đà Nẵng có thể trở thành một trong những trung tâm đào tạo trẻ tốt nhất và là nguồn cung ứng cầu thủ có chất lượng cho bóng đá Việt Nam”.

Dường như những cảm xúc ấy đã át đi ước mong của hàng vạn người hâm mộ về một chiến thắng trước đội khách Khánh Hòa, bất chấp thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn từng tuyên bố ”sẽ phá hỏng ngày vui của bóng đá Đà Nẵng”. Có lẽ vì thế, tỷ số 1-1 của trận đấu không làm giảm đi sự hưng phấn, niềm vui và hạnh phúc của thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức cũng như của hàng vạn người hâm mộ bóng đá sông Hàn.

Niềm vui của các cầu thủ SHB Đà Nẵng sau khi giành chiếc Cúp Vô địch V-League 2009.


Tiếng còi mãn cuộc của trọng tài Dương Văn Hiền nổi lên cũng là thời điểm, một ngày hội thực sự đã được mở ra trên sân Chi Lăng; nhất là sau khi chiếc Cúp Vô địch V-League 2009 được Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cùng Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ trao cho đội trưởng Lê Quang Cường trong sự hào hứng đến tột cùng của sân Chi Lăng.

Hoa, rượu chamgpane và những nụ cười cùng những giọt nước mắt hạnh phúc đã tràn ngập trên “thánh địa” Chi Lăng. Một cổ động viên lão thành 80 tuổi đã xuống sân, chỉ để được sờ, được ngắm và được chụp ảnh chung với chiếc Cúp là “đã mãn nguyện lắm rồi” như lời ông cụ sau khi thỏa ước nguyện của mình.

Trên khán đài B, một bức chân dung rất lớn của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng được người hâm mộ giương cao như một sự tri ân hay hơn thế nữa, là một sự tôn vinh, người “phục sinh” bóng đá Đà Nẵng hôm nay. Bởi chính vị lãnh đạo cao nhất của thành phố Đà Nẵng đã có vai trò quyết định trong việc vực dậy bóng đá Đà Nẵng tưởng đã “suy tàn” sau sự cố năm 1995.

Giữa niềm vui chung ấy, tiền vệ Rogerio, thủ quân Lê Quang Cường lẫn HLV Lê Huỳnh Đức vẫn không quên những cổ động viên đặc biệt của bóng đá Đà Nẵng như người thương binh Trịnh Công Thu. Với chiếc xe lăn là phương tiện di chuyển, ông Thu hào hứng mua sơn để “nhuộm” cả chiếc xe của mình màu cam như sắc áo của bóng đá Đà Nẵng. Không ngạc nhiên khi Rogerio là người đầu tiên mang chiếc Cúp đến bên cạnh để chụp ảnh chung cùng cổ động viên này. Và sau đó, cả HLV Lê Huỳnh Đức cùng thủ quân Lê Quang Cường cũng đã mang chiếc Cúp đến, cùng chụp ảnh như một sự tỏ bày tình cảm của CLB SHB Đà Nẵng dành cho ông.

Vị cổ động viên lão thành (thứ hai phải sang, hàng ngồi) đã thực sự thỏa nguyện khi chứng kiến bóng đá Đà Nẵng đăng quang sau 17 năm chờ đợi.


Bên ngoài đường piste, một cổ động viên cũng khá đặc biệt lại rất lặng lẽ. Có lẽ, ông đang đắm mình trong hạnh phúc trước thành công của con trai mình với vai trò HLV một CLB chuyên nghiệp. Đó là tiền đạo tài hoa một thời Lê Văn Tâm, từng nổi danh trong đội tuyển miền Nam và màu áo Bưu điện TP Hồ Chí Minh sau này.

- Với tư cách một người hâm mộ, tôi xin chúc mừng thành công của Đức. Nhưng cũng phải nhìn nhận sự may mắn của Đức khi được lãnh đạo thành phố quan tâm, tin tưởng và tạo điều kiện tốt nhất trong công tác chuyên môn. May mắn cho Đức còn là việc Đà Nẵng đã có một nền tảng bóng đá rất tốt và Đức đã sớm tập hợp được lực lượng, tạo được sự hòa hợp trong đội bóng. Môi trường như thế đã là cơ sở vững chắc cho sự thành công…

Với Lê Huỳnh Đức, vẫn có thể cảm nhận, khi hạnh phúc chưa lắng xuống, những ưu tư về tương lai bóng đá Đà Nẵng ở mùa giải mới đã dậy lên trong anh. Nhưng lúc này, cùng với mọi người, hy vọng nhà cầm quân của SHB Đà Nẵng hãy cứ đắm mình trong hạnh phúc. Bởi với bóng đá Đà Nẵng hôm nay, anh đã biết đặt một dấu ấn đúng lúc của mình khi giúp người hâm mộ bóng đá sông Hàn không chỉ sống mãi bằng ước mơ và sự tiếc hoài dĩ vãng…

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.