Cuối cùng, những nỗ lực của bản thân cũng đã mang lại cho Lê Huỳnh Đức hạnh phúc tột cùng của đời làm “tướng”. Ngay trước khi HLV trưởng các CLB Chuyên nghiệp kết thúc cuộc bầu chọn danh hiệu “HLV xuất sắc nhất mùa bóng 2009”, hầu như chẳng ai nghi ngờ về một cú “cán đích” của nhà cầm quân SHB Đà Nẵng. Rõ ràng, chẳng ai xứng đáng hơn HLV 37 tuổi này khi anh đã đưa bóng đá Đà Nẵng vượt qua hàng loạt “đại gia” để trở thành đội bóng thứ nhì sau Đồng Tâm Long An - giành “cú đúp” trong một mùa giải.
Những cống hiến của anh, cuối cùng đã được ghi nhận. |
Nếu nói đến sự quan tâm của lãnh đạo, chắc chắn, không một đội bóng nào không ước muốn được như Đà Nẵng. Và những quan tâm ấy, vốn có từ khá lâu, nhưng từ mùa giải lên chuyên nghiệp đầu tiên (2001-2002) cho đến trước khi Huỳnh Đức được giao vai trò “thuyền trưởng”, chưa bao giờ “con tàu bóng đá Đà Nẵng” một lần cập cảng thành công. Hay nói đến những thứ phụ gia như tiền, lực lượng, thầy trò Lê Huỳnh Đức vẫn chẳng thể so bì cùng Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, Xi măng Hải Phòng lẫn “người anh em” T&T Hà Nội.
Nói về lực lượng, các cầu thủ nội SHB Đà Nẵng dù đã trưởng thành hay đang trong giai đoạn ‘tiềm năng” chưa hẳn là những cá nhân xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam hoặc ở vị trí chính thức khi được lên tuyển. Trong mùa giải vừa qua, Quốc Anh, Quang Cường phần lớn thời gian nghỉ vì chấn thương. Văn Học mới lên tuyển được đá 2 trận. Phước Vĩnh - Hải Lâm chỉ ngang tầm với cặp trung vệ của Hải Phòng là Bật Hiếu - Minh Đức… Điều quan trọng của SHB Đà Nẵng như Lê Huỳnh Đức đã từng thừa nhận:
“Điều lớn nhất mà chúng tôi làm được chính là tạo được sự gắn kết, thống nhất trong tập thể đội bóng. Qua đó, các cầu thủ đã ý thức được mục tiêu để tập trung vào nhiệm vụ duy nhất là giành chiến thắng cho bóng đá Đà Nẵng”. Nhờ đó, bóng đá Đà Nẵng đã trở thành một cỗ máy hoàn hảo đến từng chi tiết với một đội hình đồng đều và có sự ổn định nhờ chính sách xoay vòng cầu thủ hết sức khoa học. Thậm chí, những cầu thủ mới đến như Merlo hay Nguyễn Đình Anh Phúc từng bị dè bỉu nhưng chính Merlo lại trở thành “Vua phá lưới” hay Anh Phúc đã có một trận đấu cực hay cùng Xi-măng Hải Phòng ngay trên “chảo lửa” Lạch Tray.
Để có được hạnh phúc ấy, Lê Huỳnh Đức phải trải qua nhiều cay đắng trong cả cuộc đời cầu thủ lẫn bước đầu “làm thầy” của mình. Ngày đầu tiên đến với bóng đá Đà Nẵng, Huỳnh Đức từng bị nhìn với không ít ánh mắt dò xét lẫn nghi ngại. Có lần Huỳnh Đức tâm sự: “Sau V-League 2003, tôi gần như suy sụp khi bị gán ghép về những điều không có thật. Nỗi đau đớn, oan nghiệt khiến tôi muốn giã từ bóng đá. Nhưng như thế, có nghĩa là tôi sẽ không có cơ hội để chứng minh sự trong sạch của mình. May mắn khi Đà Nẵng đã chìa tay để đón nhận và tôi đã chịu ơn con người, mảnh đất này. Hơn cả nghĩa tình nên tôi còn nghĩa vụ, trách nhiệm phải đền đáp nơi đã tạo cơ hội để tôi làm lại từ đầu…”.
Tại Gala tôn vinh CLB SHB Đà Nẵng giành “cú đúp”, đã có một số ý kiến khẳng định, “Lê Huỳnh Đức vẫn còn nợ Đà Nẵng”. Rõ ràng, “món nợ” ấy từng được Huỳnh Đức xác định từ khi anh bắt đầu đến nơi đây. Nhưng phải sòng phẳng để thừa nhận, bóng đá Đà Nẵng cũng đang “mang nợ” với Lê Huỳnh Đức khi một thời, Đức từng bị rẻ rúng, nghi ngờ… Nhưng nếu là một tình yêu có thật, hãy để tất cả những gì đã qua trở thành quá khứ khi tương lai vẫn chỉ mới bắt đầu, với bóng đá Đà Nẵng và Lê Huỳnh Đức…
NGUYÊN AN