.
GIẢI BÓNG ĐÁ U-21 BÁO THANH NIÊN

Cơ hội cho những tài năng trẻ thăng hoa

.

Không cứ “đến hẹn lại lên” nhưng sau khi V-League và giải hạng nhất quốc gia kết thúc, sân chơi bóng đá trẻ lại nhộn nhịp với vòng chung kết giải Bóng đá U-21 Báo Thanh Niên khai diễn. Không chỉ là một cuộc tập dượt của mỗi tài năng trẻ, giải bóng đá U-21 Báo Thanh Niên trong những năm gần đây còn là cơ hội để các CLB chuyên nghiệp có một bài test chính xác hơn về hiệu quả đào tạo trẻ của mình.

Đức Thiện (trái) là một phát hiện của bóng đá Việt Nam từ sân chơi U-21.

Trước đây, chính từ “chiếc nôi” U-21, những Thạch Bảo Khanh, Thế Anh, Trọng Lộc, Đức Dương, Đặng Phương Nam, Giang Thành Thông, Văn Quyến, Trần Đức Cường... đã trưởng thành và tạo dựng được tên tuổi của mình trong bóng đá đỉnh cao của nước nhà. Đó còn là những trụ cột của không ít CLB chuyên nghiệp tại V-League 2009 vừa qua mà điển hình như Phan Thanh Hưng, Võ Hoàng Quãng, Phạm Nguyên Sa, Cao Cường, Trần Văn Học... đều đã có những đóng góp đáng kể vào ngôi vô địch mà bóng đá Đà Nẵng trải qua 17 năm chờ đợi.

Ngoài đội chủ nhà Bình Dương và đương kim vô địch Đà Nẵng, hầu hết cầu thủ các đội, sau khi làm nhiệm vụ tại V-League hay giải hạng nhất đều sớm tập trung trở lại ở các đội U-21 để tham gia thi đấu vòng loại và chuẩn bị cho vòng chung kết khởi tranh vào ngày 17-9. Ngay cả với Đà Nẵng, dù các cầu thủ đều được khoác áo SHB Đà Nẵng hay tăng cường cho Quảng Nam nhưng HLV Phan Thanh Hùng vẫn mạnh dạn sử dụng lực lượng U-19 làm nền tảng. Thậm chí, dù vắng đến 5 trụ cột phải làm nhiệm vụ quốc gia, nhà cầm quân Đà Nẵng vẫn tự tin trong mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch của mình.

Bất ngờ thú vị khi ở vòng đấu bảng, Than Quảng Ninh (bảng A) và T&T Hà Nội (bảng B) đã vượt qua những đơn vị có bề dày trong đào tạo trẻ như Nam Định, Hải Phòng (bảng A) hay Sông Lam Nghệ An, Thể Công Viettel (bảng B) để giành vé vào vòng chung kết. Nhưng rõ ràng, đây không phải là những đội bóng không có thực lực và thiếu tham vọng.

Với 5 cầu thủ vừa thi đấu hạng nhất cùng 3 tuyển thủ quốc gia U-19 gồm Hải Huy, Tiến Duy, Đại Nghĩa, Than Quảng Ninh thực sự là một ẩn số thú vị. Hay T&T Hà Nội, có đến 10 cầu thủ từng thi đấu tại V-League như Hải An, Đức Anh, Thế Việt, Văn Quân, Tuấn Anh... cũng không thể bị xem là yếu thế.

Chính những gương mặt mới này cùng với những đại diện ưu tú của bóng đá trẻ như Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, Hoàng Anh Gia Lai, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh... sẽ hứa hẹn mang đến cho vòng chung kết những trận đấu sôi động với chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng lên. Bởi, hiệu ứng từ những CLB “đàn anh” tại V-League hay hạng nhất chắc chắn sẽ là động lực để những cầu thủ trẻ có được cảm hứng tốt nhất khi đến với sân chơi của mình.

Nhìn lại vòng chung kết EURO U-21 với slogan: “Stars of today, superstars of tomorrow” (Ngôi sao hôm nay, siêu sao ngày mai) khẳng định một chân lý bất biến của bóng đá: Thành công của mỗi đội bóng đều phải bắt đầu từ khâu đào tạo trẻ. Thành công mới nhất của Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An... tại V-League 2009 hay Than Quảng Ninh tại giải hạng nhất 2009 như một hệ quả tất yếu cho cách làm bóng đá căn cơ, tử tế.

Với những gì bóng đá trẻ từng thể hiện qua 12 lần giải trước, chắc chắn, sẽ có những nhân tố mới tiếp tục được phát hiện ở giải lần thứ 13 này. Bởi chính những Trọng Hoàng, Đức Thiện, Văn Khải, Thanh Hưng, Cao Cường, Văn Học, Đình Tùng... - những trụ cột cho đội dự tuyển U-23 đang chuẩn bị làm nhiệm vụ tại SEA Games 25 sắp khai diễn tại Lào - là những gương mặt được phát hiện ở giải Bóng đá U-21 Báo Thanh Niên lần thứ 12 (2008). Và chính sự thành - bại của bóng đá trẻ sẽ là cơ sở để có câu trả lời về tương lai bóng đá Việt Nam.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.