.

Hơn cả chuyện cổ tích…

.

Vẫn còn hơn 2 tháng nữa, mùa giải mới kết thúc nhưng chắc chắn, tay vợt nữ người Bỉ Kim Clijsters đã gây ấn tượng sâu đậm nhất trong làng tennis khi cô trở thành người lật đổ sự thống trị của chính người Mỹ tại giải US Open vừa kết thúc tối 13-9, bằng ngôi vô địch ngay trên sân Arthur Ashe. Cho dù chiến thắng ở trận bán kết không như mong muốn như các chuyên gia bình luận “ngày thứ Bảy siêu kinh điển kết thúc bằng một scandal kinh điển” sau khi trận đại chiến Clijsters - Serena kết thúc không trọn vẹn nhưng người ta vẫn phải thừa nhận, Clijsters hoàn toàn xứng đáng chiến thắng.

Niềm vui của Kim Clijsters cùng chồng và cô con gái Jada sau khi đăng quang.

Sau 33 giờ đợi chờ do những cơn mưa không dứt, cuối cùng, trận đại chiến cũng đã diễn ra và set thứ nhất kết thúc bằng chiến thắng 6-4 cho Clijsters. Trong set thứ nhì, khi Serena (đang bị dẫn 5-6 và 15-30) nắm quyền giao bóng ở bàn thứ 12 thì bị trọng tài biên bắt lỗi chân. Trước đó, cô đã bị một trọng tài biên khác bắt lỗi chân. Điều này đồng nghĩa với một lỗi giao bóng kép và Serena bị dẫn 15-40 trong thời điểm vô cùng quan trọng.

Giận dữ với quyết định của trọng tài biên, Serena đã có những hành động không đẹp với người phụ nữ này và tình hình được báo cáo với trọng tài ghế Louise Engzell. Ngay sau đó, tổng trọng tài Brian Earley vào sân và quyết định được đưa ra, Serena không chỉ bị mất điểm vì lỗi chân mà còn bị phạt 1 điểm nữa vì hành vi phi thể thao; đồng nghĩa với việc Serena bị phạt đúng ở điểm match-point và trận đấu kết thúc tại đó.

Dù cho trận đấu kết thúc thế nào đi nữa, Kim đã cho thấy, cô hoàn toàn xứng đáng với chiến thắng. Có thể nói gì hơn khi trước trận bán kết với Kim, Serena là tay vợt giao bóng ăn điểm trực tiếp (ace) nhiều nhất giải nữ, rất ít phạm lỗi giao bóng kép, còn thể lực thì tuyệt đỉnh? Nhưng thật bất ngờ khi nhà đương kim vô địch đã bất lực trước một bà mẹ mới trở lại thi đấu có 13 tuần với 3 giải đấu sau hơn 2 năm chăm chút hạnh phúc gia đình! Cô mắc đến 31 lỗi đánh hỏng, gần gấp đôi so với đối phương (18). Hay trước khi Serena trở thành “bại tướng” của Clijsters, cô chị Venus cũng từng gục ngã trước Kim tại loại thứ 4.

Clijsters tỏ ra tiếc nuối khi trận đấu kết thúc không như mong muốn với phát biểu thẳng thắn: “Thật không may là trận đấu mà tôi chơi rất hay này lại kết thúc theo cách như thế. Ở thời điểm đó, tôi thực sự lúng túng với chuyện xảy ra bởi tôi đang cố tập trung để thắng điểm cuối cùng. Chuyện kết thúc hoàn toàn khác với điều mà tôi mong đợi”.

Chiến thắng này đã đưa Kim trở thành người mẹ đầu tiên - sau khi Evonne Goolagong Cawley đăng quang ở Wimbledon năm 1980 - giành quyền vào chơi trận chung kết một Grand Slam trước tay vợt 19 tuổi người Đan Mạch Caroline Wozniacki. Trước tay vợt hạt giống số 9 Caroline, kinh nghiệm của một cựu vô địch đã giúp Clijsters phát huy đúng lúc để giành chiến thắng 7-5 ở set đầu sau 56 phút thi đấu và 6-3 ở set thứ nhì với 37 phút.

- Tôi không bao giờ nghĩ mình lại gặt hái thành công sớm đến vậy. Ban đầu, tôi chỉ cố gắng thi đấu để tìm lại cảm giác và phong độ thi đấu. Mọi chuyện diễn ra như một giấc mơ đẹp - cựu số 1 thế giới không giấu được cảm xúc.

Niềm vui của người chiến thắng Kim (phải) và Caroline sau trận chung kết…

 

Chiến thắng của Clijsters càng có ý nghĩa hơn khi có sự chứng kiến của chồng và cô con gái 18 tháng tuổi Jada trên khán đài. Với chiến tích trước Wozniacki, Clijsters đã có danh hiệu vô địch US Open lần thứ 2 và là Grand Slam thứ 4 trong sự nghiệp thi đấu của mình (với 2 Grand Slam còn lại ở nội dung đôi). Chiến thắng lần này như một câu chuyện cổ tích với Clijsters khi vinh quang đến với Clijsters trong bối cảnh cô đến cùng US Open chỉ với dạng đặc cách.

Hơn thế nữa, đỉnh cao trong sự nghiệp thi đấu tennis nhà nghề của Kim hầu như gắn với US Open. Bởi cũng tại đây, vào năm 2005, Kim từng đăng quang sau khi vượt qua chính cô chị của nhà Williams là Venus. Lần này, vẫn tại giải US Open, cũng trước đối thủ cũ và cả cô em Serena, Kim tiếp tục tái lập chiến tích của 4 năm về trước để sân Arthur Ashe luôn mang lại cho cô những kỷ niệm ngọt ngào nhất…

Bảo An

;
.
.
.
.
.