.

Loay hoay tìm sân bóng - Kỳ 1: Có chỗ rộng là đá!

.

Lâu lắm rồi, đội bóng của thành phố sông Hàn mới có dịp ngẩng cao đầu, ăn mừng chiến thắng và nâng cao chiếc cúp quý giá. Sau 17 năm ấy, chiếc cúp như tiếp thêm sức mạnh cho phong trào yêu bóng đá, mê bóng đá và tập luyện bóng đá của người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên ở nhiều nơi, mọi người chẳng biết tập luyện ở đâu?

40 cầu thủ… 1 quả bóng

Đá bóng trên đường phố-cảnh thường xuyên diễn ra ở nội thành.

Ở trung tâm thành phố, quỹ đất ít, sân bóng đá ít đã đành, tại huyện vùng ven Hòa Vang cũng chẳng có mấy sân bóng đá. Một lần lên công tác ở xã Hòa Sơn, chúng tôi “mắt tròn mắt dẹt” chứng kiến một trận thi đấu bóng đá có đến… 40 “cầu thủ”. Họ cùng đuổi theo một quả bóng trên mặt sân loang lổ đầy cỏ và bùn đất.

Thỉnh thoảng, bóng lại bay vào một vạt cỏ vươn cao, người đá phải lựa thế hất quả bóng lên cao chuyền cho đồng đội. “Ở đây, 5 giờ chiều vẫn còn nắng lắm, chỉ tập dợt khởi động với quả banh ở góc sân, đến khoảng 5 giờ rưỡi, khi đông người mới chia ra làm hai đội để đá. Ai tới sau, chọn đội mô đó thì chọn. Đá vui là chính, không tranh chấp quyết liệt làm chi, vì mặt sân gồ ghề kiểu ni té xuống dễ gãy tay, gãy chân, tiền mô mà đi bệnh viện” - một thanh niên tên là Hải tươi cười cho biết.

Ở sân vận động (SVĐ) bề thế như xã Hòa Phước, chiều chiều đông nghịt các “cầu thủ” lớn có, nhí có. Khoảng giữa sân, các thanh niên chân chạy huỳnh huỵch, đá bùm bụp như dốc hết sức mạnh. Phía hai góc sân là hai trận bóng đá của các em nhỏ với đủ tiếng la hét. Cứ đá một lúc là quả bóng của đám thanh niên bay vào phần sân của các em nhỏ, rồi y như một bầy ong vỡ tổ, cứ nháo nhác tìm vị trí cũ. Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang, không giấu được vẻ hài hước:

“Ở nơi khác, người ta xây dựng sân bóng rồi mới đá, còn ở huyện tôi thì ngược lại, thấy có bãi cỏ, bãi đất đẹp là cứ đá, đá hoài rồi thành… sân bóng. Đến nay, trên địa bàn huyện, chỉ duy nhất có SVĐ xã Hòa Phước là được thành phố đầu tư hệ thống thoát nước, cầu môn, vạch kẻ vôi, làm nơi tập luyện của các đội tuyển bóng đá U13, U15.

Tuy nhiên, vẫn là mặt cỏ xanh vàng tự nhiên đầy vết loang lổ, gồ ghề… Trước đây, Nhà nước cũng đầu tư một ít kinh phí để nâng cấp SVĐ xã Hòa Sơn nhằm phục vụ cho phong trào thể thao quần chúng, nhưng sau đó phải cắt xén bớt đất để làm Khu vui chơi giải trí. Theo kế hoạch, sắp tới lại phải giải tỏa để nhường đất cho dự án Vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến đường ĐT602”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Hòa Liên cũng có một SVĐ, nhưng xe cộ, trâu bò qua lại nhiều nên mặt sân rất gập ghềnh, lởm chởm. Số xã còn lại của huyện Hòa Vang đều không có sân bóng đá 11 người, chỉ có sân bóng đá mini do người dân vì yêu thích bóng đá mà hình thành.

Không an toàn

Ngoài những sân bóng nói trên, ở hầu hết các bãi biển trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, Sơn Trà-Điện Ngọc, Nguyễn Tất Thành không thiếu những “sân bóng” lấn át cả không gian của người đi tắm biển. Chính vì có sự lấn sân vô tổ chức này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến du khách và người dân thành phố.
 
Tháng 4 vừa qua, tại bãi biển T20, một đám thanh niên chừng hai chục người tụ tập đá bóng trên bãi biển gây nguy hiểm cho nhiều người. Khi Đội cứu hộ bãi tắm đến giải tán thì bị đám thanh niên này đánh trọng thương nhân viên cứu hộ phải cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Liên quan đến tình trạng đá bóng mất an ninh trật tự trên bãi biển, anh N.T.B, thành viên đội cứu hộ khu vực biển Mỹ Khê cho biết, họ thường xuyên bị đe dọa hành hung nếu cấm nhóm người này không được tự do đá bóng.

Không chỉ trên khu vực công cộng, một số trường học có sân bóng dành riêng cho học sinh mình cũng nằm trong hoàn cảnh “chịu đau” vì không quản lý được. Đơn cử như Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, hằng ngày, sau 5 giờ chiều, xuất hiện một đám thanh niên trèo rào vào khuôn viên của trường và ngang nhiên đá bóng, mặc cho bảo vệ trường ngăn cấm. Đuổi không chịu đi, nếu cấm không cho đá là nhóm này dùng gạch đá ném vào trường. Nếu có đội bóng bên ngoài nào đó vào sân đá cùng giờ là bị đe ngay: “Tụi bay mà không ra là bị đập”.

Nói về sân chơi thể thao trên địa bàn mình, ông Vương Tuấn Kiệt, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê lo ngại: “Một giải đấu có đến 10 phường hoặc nhiều đơn vị tham gia mà chỉ tổ chức trong 2-3 ngày thì rất bị động, nó giống một cuộc chạy rượt đuổi, tra tấn thể lực nhiều hơn là vì thể thao. Sân bãi thiếu thốn, ban tổ chức khó một, các đội bóng cũng gặp khó mười vì để đá sao cho cổ động viên và đội bạn khỏi chê, họ cũng phải bỏ tiền đi thuê sân bãi để tập luyện, mà thuê được sân cũng rất khó.

Nói thật, qua theo dõi một số giải phong trào, vận động viên đá ở sân 11 người họ chẳng biết chạy chỗ, chọn vị trí, thậm chí chẳng biết cách… ném biên. Điều đáng ngại là do không có sân bãi để tập luyện, vận động viên có kỹ thuật rất tồi, kết hợp với việc tập luyện, đá trên sân nền xi-măng, đường sá, bãi đất cát, sỏi lẫn lộn, rất dễ gây chấn thương cho vận động viên. Muốn tổ chức một giải đấu là lo ngay ngáy khâu y tế” .

Hằng năm, các tổ chức, đoàn thể đều đặn tổ chức các giải thi đấu bóng đá cho thanh-thiếu niên, cán bộ, công nhân, viên chức… Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí lẫn điều kiện sân bãi nên đại đa số các giải đấu đều được tổ chức trên các sân loang lổ cát và bụi cỏ, hoặc lầy cát, đầy đá sỏi, giữa tiết trời nắng nóng hầm hập.

Thành ra, việc tổ chức giải đấu với mục đích rèn luyện sức khỏe đâu không thấy, chỉ thấy các vận động viên phải vắt kiệt sức mình và tiềm ẩn nguy cơ chấn thương rất cao. Hai năm liên tiếp, Giải bóng đá mini khối trường học của quận C. (xin không nêu tên) được tổ chức trên sân cát nằm trong khuôn viên một trường học. Đá giữa trời nắng nóng và sân lầy cát, các em rất nhanh xuống sức, chưa kể cơ man nào là bụi cuốn lên theo từng pha bóng.
 
“Nhìn các em đá bóng dưới trời nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại giữa sân cát lầy, rất thương. Trước giải đấu, cũng muốn thuê sân thi đấu trong nhà của một trung tâm thể thao, nhưng kinh phí tổ chức không có nhiều và rất khó thuê được” - một thành viên trong Ban tổ chức nói như vậy.

Với biết bao nỗi lo ngay ngáy vì giành giật sân chơi, cùng với cách tổ chức vào giờ nắng chói chang, chắc chắn sẽ dẫn đến kiệt sức và chấn thương.

DUYÊN ANH-HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.