Thiếu sân bóng đá, thanh-thiếu niên không có sân bãi để chơi bóng đã đành, các tổ chức, đoàn thể muốn tổ chức một giải phong trào cũng rất khó, ngay cả có tiền cũng khó lòng thuê được sân tốt. Vậy hiện trạng các sân đang thừa hay thiếu?
Sân nào cũng “hốt bạc”
Sân thi đấu bóng đá mini hiện rất “đắt” khách. |
Đối với các em yêu thích đá bóng, có thể chơi các trò như: FIFA Online, PlayStation 3, PES… Các em tự do chọn lựa cầu thủ (ảo) nổi tiếng lập thành đội bóng mình yêu thích, sau đó chọn lựa một đối thủ xứng tầm để đá. Tất cả mọi động tác: rê bóng, chuyền bóng, đánh đầu, sút, đều được thực hiện bằng những ngón tay thoăn thoắt trên bàn phím hoặc tay cầm điều khiển, kèm theo cái miệng luôn văng tục. Cũng vì ham mê đến mức tới bữa quên ăn, thay vì ôm cặp đi học thì các em nói dối cha mẹ để rẽ vào tiệm Internet.
Các tiệm Internet thì “hốt bạc” người chơi, bất kể quan tâm đến những ảnh hưởng từ văn hóa giải trí quá trớn. Thiếu sân bóng đá, thiếu các hoạt động vui chơi, thể thao, giải trí lành mạnh, bổ ích cho thanh-thiếu niên nói riêng và nhân dân nói chung đang là một thực trạng bức xúc bấy lâu nay.
Có hai trong số nhiều sân bóng nằm ở khu vực nội thành được nhiều người đặt chỗ nhất thuộc quyền quản lý của Bưu điện thành phố và Điện lực Đà Nẵng. Cứ một giờ, một đội bóng muốn thuê phải trả từ 100.000 - 120.000 đồng. Lịch bố trí giờ giấc xem như gần kín cả ngày, sáng bắt đầu từ 6-7 giờ, chiều từ 12 giờ đến 19 giờ tối. Cao điểm một ngày “đắt sô”, sân Bưu điện có thể đón nhận 6 lượt trận đấu. Đội này ra, đội khác vào. Thậm chí, khoảng thời gian vào trận không có cơ hội cho các cầu thủ khởi động.
Ông Vương Tuấn Kiệt - Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê cho hay: “Do thiếu sân bãi, nên hằng năm quận chỉ tổ chức 3 giải bóng đá mini dành cho thanh-thiếu niên và cán bộ, viên chức. Nếu không thuê được sân của Quân khu 5, chỉ còn cách đến năn nỉ Nhà thi đấu Bưu điện. Lịch tổ chức các giải đấu trong 2 nhà thi đấu này cũng kín mít nên người ta cho mình thuê 2-3 ngày để tổ chức giải đấu là quý lắm rồi”.
Vào thời điểm có nhiều hoạt động thể thao của thành phố, ai chậm chân hơn sẽ không thuê được sân bãi. Giá thuê sân đắt đã đành, nhưng không phải cứ có tiền là có sân ngon. Không dễ thuê được nơi có mặt sân bảo đảm tiêu chuẩn. Một trong những sân bóng được xem là “hot” nhất của thành phố Đà Nẵng phía trong đường Phan Đăng Lưu. Hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị muốn tổ chức giải thể thao phải liên hệ trước từ rất nhiều ngày.
Thiếu sân đạt chuẩn
Cần có sân bóng đủ tiêu chuẩn thi đấu, để các em không phải đá trên mảnh đất như thế này. |
|
Quận Liên Chiểu cũng đang quản lý 3 sân bóng đá 11 người ở Hòa Mỹ (phường Hòa Minh), Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam) và Hòa Hiệp Bắc, nhưng mặt sân loang lổ bụi cỏ và cát sỏi, nên trước khi tổ chức giải đấu phải san bằng lại mặt sân, cắt cỏ, gom từng viên sỏi lớn bỏ đi. Ngoài ra, còn có sân bóng đá và nhà thi đấu đa năng của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm và Trung tâm Giáo dục Thể chất Đại học Đà Nẵng.
Trong khi đó, trên toàn quận Liên Chiểu có 19.000 hộ dân với 95.000 nhân khẩu, hơn 40.000 sinh viên đang học tại các trường ĐH, CĐ và 20.000 công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn, chưa kể 29 đội bóng các lứa tuổi của các địa phương và quận. Ông Trần Công Khuê, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu thừa nhận: “Rõ ràng là rất thiếu sân thi đấu thể thao. Mặc dù cũng có dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Liên Chiểu, nhưng được quy hoạch tại địa điểm không mấy thuận lợi (khu vực Hòa Phú, phường Hòa Minh) nên quận đang kiến nghị thành phố chuyển địa điểm thuận lợi hơn”.
Với huyện Hòa Vang, có địa bàn trải rộng, kinh tế còn khó khăn, nhưng người dân lại rất cuồng nhiệt với bóng đá và các môn thể thao khác. Tuy nhiên những năm qua, thành tích thể thao của địa phương này không cao. Do khó khăn về sân bãi, huyện phải chọn tổ chức trên sân vận động Hòa Phước, xa trung tâm huyện.
Đối với vận động viên, cổ động viên từ các xã Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Phú muốn xuống thi đấu, cổ vũ thì đường đi lại càng xa hơn. UBND huyện rất quan tâm tạo quỹ đất, nhưng không có kinh phí để đầu tư xây dựng các sân thi đấu thể thao. Hiện trên toàn huyện không có nổi một Nhà thi đấu đa năng để tổ chức một giải đấu nào đó. Trung tâm Văn hóa-Thể thao của huyện chỉ mới xây dựng tường rào, nhà quản lý, còn lại là bãi đất rộng mênh mông, trống hoác…
Ông Vương Tuấn Kiệt, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê vui mừng thông báo: “Sân bóng đá 11 người nằm trong dự án Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận do thành phố đầu tư và Nhà thi đấu đa năng do UBND quận đầu tư sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, chắc chắn sẽ rất chủ động và thuận lợi để tổ chức các giải đấu. Thanh Khê tự hào là quận đầu tiên tổ chức được giải bóng đá bãi biển, đến nay đã tổ chức được 4 lần, lồng ghép trong Lễ hội Cầu ngư của ngư dân Thanh Khê, đem lại không khí rất vui tươi, cuồng nhiệt”.
Từ sân bóng nghiệp dư đến trường đào tạo cầu thủ chuyện nghiệp là ước mơ của không ít thanh-thiếu niên. Những sân bóng được đầu tư xây dựng quy mô, bài bản sẽ tạo điều kiện để các em trở thành lớp kế tiếp những “ngôi sao” vang tiếng một thời của bóng đá Việt Nam như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Hoàng Bửu, Triệu Quang Hà… Việc đầu tư và mở rộng sân bóng đá có sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp hiện nay là hết sức cần thiết.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH-HOÀNG HIỆP