Sẽ rất khó để có một thành công như bóng đá Đà Nẵng ở mùa giải 2009.
Nếu CLB Chuyên nghiệp Đà Nẵng giành “cú đúp” ở V-League 2009 và Cúp Quốc gia thì không lâu sau đó, lứa cầu thủ kế cận cũng lập được một chiến tích hào hùng. Không chỉ bảo vệ thành công ngôi vô địch tại Gải bóng đá Trẻ U-21 Báo Thanh Niên 2009, các học trò của HLV Phan Thanh Hùng còn giành cả giải Phong cách và thâu tóm trọn bộ 3 danh hiệu cá nhân. Một bản tổng kết không thể hoàn hảo hơn với bóng đá Đà Nẵng.
Kết quả toàn vẹn ấy, như là tất yếu khi bóng đá Đà Nẵng với cách làm rất riêng của mình và trong ròng rã hơn 10 năm, cùng với quá nhiều thăng trầm.
Không chỉ với chủ trương “chiêu hiền, đãi sĩ”, Đà Nẵng đã xác định được mục tiêu và tầm quan trọng để có định hướng lấy bóng đá làm đòn bẩy cho toàn bộ hoạt động TDTT. Hơn thế nữa, bóng đá còn tạo ra một tác động xã hội rất lớn và đó cũng là một trong những yếu tố tiên quyết trong nỗ lực xây dựng Đà Nẵng thành “một trong những trung tâm văn hóa - thể thao” của khu vực miền Trung và cả nước như Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.
Tất cả gần như bắt đầu từ một “vùng trắng”, lãnh đạo thành phố đã có những định hướng mà quan trọng nhất vẫn là tạo dựng nền tảng con người. Những cựu tuyển thủ QN-ĐN trước kia lần lượt được mời gọi trở lại cùng với lứa cầu thủ trẻ lúc ấy đã hình thành “bộ khung” cho bóng đá Đà Nẵng. Cùng lúc, chiến lược phát triển - thông qua mô hình Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ - trở thành “vườn ươm” thực sự cho những tài năng trẻ. Bên cạnh đó, sự quan tâm của thành phố còn thể hiện rõ nét hơn khi thống nhất chủ trương cho xây dựng Làng Bóng đá Tuyên Sơn, một mô hình bóng đá mang tính đặc thù của Đà Nẵng.
Không ngẫu nhiên khi ông Trần Văn Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Công ty TLT, người từng được tham quan rất nhiều trung tâm đào tạo bóng đá ở Anh - phải thốt lên: “Mô hình Làng Bóng đá Tuyên Sơn quá tuyệt vời, không kém gì các trung tâm đào tạo của bóng đá Anh”.
Lần lượt, những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Minh, Giang Thành Thông, Nguyễn Minh Đức… cũng đã hội tụ về, góp phần đáng kể trong việc xây dựng nền móng ban đầu cho bóng đá thành phố. Trong thời kỳ được xem là “bóng đá quốc doanh”, Đà Nẵng luôn là điểm đến mơ ước của rất nhiều cầu thủ nổi tiếng.
Chủ trương “chiêu hiền, đãi sĩ” với những chính sách đãi ngộ tương xứng đủ sức tạo nên một hấp lực, không chỉ với VĐV. Chủ trương đúng cùng cách làm bóng đá có tính chuyên nghiệp của Đà Nẵng đã tạo được dư luận tốt. Để rồi, từ những cầu thủ măng tơ như Văn Quân, Văn Học… hay những HLV kỳ cựu như Lê Đình Chính, Lê Thụy Hải… cũng đều muốn có được sự gắn bó lâu dài cùng bóng đá sông Hàn.
Song, giữa những cái được, bóng đá Đà Nẵng hẳn vẫn còn nhiều chuyện đáng nói.
Một thời gian dài, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của đội ngũ HLV các tuyến khiến hệ thống đào tạo chưa đạt đến sự thống nhất trong chiến lược đào tạo, đủ để đáp ứng yêu cầu của các tuyến trên. Bên cạnh đó, đã có những tác động khách quan, ảnh hưởng rất lớn đến công tác huấn luyện, chỉ đạo của đội ngũ HLV. Đồng thời, các tuyến trẻ vẫn chưa có nhiều cơ hội cọ xát, dẫn đến những kết quả không như mong muốn như trường hợp các cầu thủ U-15, U-17 và U-19 tại mùa giải này.
Dù muốn hay không, phải thừa nhận, việc xã hội hóa bóng đá thông qua sự “kết duyên” cùng nhà tài trợ SH Bank đã giúp cho bóng đá Đà Nẵng có được một sắc diện khả quan trong cả 2 mùa bóng vừa qua. Trong đó, yếu tố tài chính với những khoản thưởng rất lớn được xem là một động lực đáng kể cho các cầu thủ khi nhập cuộc.
Mặt khác, khi các nhà cầm quân được làm và được chịu trách nhiệm, năng lực chuyên môn của từng người sẽ được phát huy ở mức tối đa. Bên cạnh đó, sự hình thành Hội đồng HLV để thống nhất một chiến lược đào tạo, phát triển với mục tiêu, các tuyến dưới đáp ứng yêu cầu chuyên môn của tuyến trên… cũng là một yếu tố cần để bóng đá Đà Nẵng không bị hụt hẫng lực lượng kế thừa. Hơn thế nữa, sẽ góp phần tạo nên bản sắc cho bóng đá Đà Nẵng.
Giành vinh quang đã khó, đứng vững trên đỉnh vinh quang sẽ còn khó khăn gấp bội. Một sự thỏa mãn đồng nghĩa với thất bại trước mắt.
Hơn ai hết, hẳn những người có trách nhiệm với bóng đá Đà Nẵng hiểu rất rõ điều này. Bởi, để có một ngày “hái quả”, bóng đá Đà Nẵng phải trải qua hơn 1 thập kỷ “trồng cây”. Và để không phải nếm “trái đắng”, những người chiến thắng hôm nay không được phép ngủ quên trên chiến thắng…
BẢO AN
.
.
Một mùa vàng bội thu
Thứ Tư, 30/09/2009, 08:48 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.