.

Ngại va chạm

.

Một quyết định khá bất ngờ vừa được Liên đoàn Bóng đá châu Âu đưa ra: Treo giò hai trận trong khuôn khổ các trận đấu ở Champions League đối với tiền đạo Eduardo do lỗi cố tình giả vờ té ngã trong khu cấm địa khiến đối phương bị phạt đền trong trận play-off lượt về giữa Arsenal và Celtic. Gọi là bất ngờ vì hành vi đóng kịch khá tinh vi của tiền đạo câu lạc bộ Arsenal đã qua mắt dễ dàng trọng tài. Tiểu ban kỷ luật của Liên đoàn chỉ ra tay khi có phản ứng kịch liệt từ phía Celtic và dư luận người xem.
 

Eduardo trong cuộc sống đời thường. (Ảnh tư liệu)

Kẻ giả vờ, dù tinh vi, ma mãnh đến mấy cũng không thoát được sự trừng phạt của công lý một khi sân cỏ được điều hành bởi một bộ máy nghiêm túc với phương châm tối thượng là giữ gìn sự trong sạch của bóng đá để sân chơi này thực sự trở thành mảnh đất không ngừng khuyến khích các giá trị nhân văn. Và dù câu lạc bộ chủ quản của Eduardo ra sức bảo vệ cầu thủ, dù tiền đạo này vốn được tiếng hiền hậu trong lành, các nhà làm luật và thực thi luật pháp sân cỏ châu Âu vẫn không nao núng trước quyết định cần thiết của mình. Vì lợi ích của bóng đá, vì công bằng sân cỏ, các nhà điều hành bóng đá châu Âu trong trường hợp này đã không ngại va chạm.

Thái độ quyết liệt, không hề nương tay hoặc thỏa hiệp với cái xấu của các nhà điều hành bóng đá châu Âu khiến công chúng bóng đá Việt Nam thấy… thèm. Cách ứng xử không sợ mích lòng như thế quả là điều hiếm thấy trên sân cỏ nước ta. Chả thế mà nhiều lần công chúng tỏ ra ngao ngán trước cách xử lý xoa dịu dư luận, phì cười sau các đòn roi giơ cao đánh khẽ của cơ quan giám sát và thực thi luật lệ ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
 
Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Bóng Đá mới đây, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia - ông Nguyễn Văn Mùi - thừa nhận rằng, hạn chế lớn nhất của các trọng tài Việt Nam là cách hành xử của họ còn nặng về tình cảm, không ít người còn ngại va chạm với các đội bóng nên thiếu nghiêm khắc trong nhiều trường hợp. Nhiều trọng tài có biểu hiện nương nhẹ với nạn bạo lực sân cỏ, các tiểu xảo thiếu trung thực, phi thể thao. Người đứng đầu đội ngũ các phán quan sân cỏ chỉ ra một thực tế: Các đội thường tạo dư luận không tốt về trọng tài nhằm tạo sức ép lên họ trong khi sân cỏ thiếu vắng các hình thức chế tài liên quan đến trọng tài.

Thực tế nhiều mùa bóng qua cho thấy điều lệ các giải đấu trong nước thiếu vắng các biện pháp đủ sức răn đe đối với các hành vi thiếu trung thực, phi thể thao vốn xảy ra đầy dẫy và biến hóa thiên hình vạn trạng không riêng trong cầu thủ mà cả trong các nhà quản lý câu lạc bộ. Hiện tượng ngại va chạm không chỉ xuất hiện trong các vua sân cỏ mà, đáng lo ngại hơn, còn ở các nhà tổ chức, điều hành các giải đấu. Và một khi “thượng” không nghiêm thì “hạ” cũng chẳng dại gì mà nghiêm khắc, mạnh tay để phải rước họa vào thân.

Một sự mạnh tay như cách hành xử của bóng đá châu Âu trong chuyện Eduardo quả cần thiết biết bao đối với bóng đá Việt Nam lúc này. Đó như một sự sát hạch tính chuyên nghiệp của các nhà điều hành một giải đấu ngày càng được đề cao chất chuyên nghiệp.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

 

;
.
.
.
.
.