.

Hoàng Quý Phước - liệu còn “hy vọng Vàng”?

.

Giải Vô địch Bơi lặn quốc gia 2009 vừa kết thúc vào cuối tháng 9 vừa qua, “hy vọng Vàng” của Đà Nẵng là Hoàng Quý Phước chỉ giành 1 HCV. Đây cũng là HCV duy nhất so với dự kiến 4 HCV của kình ngư trẻ này. Phải chăng, đó là một kết quả đáng thất vọng với tay bơi trẻ Đà Nẵng, từng được xem là một “hy vọng Vàng” của Thể thao Việt Nam và Thể thao Đà Nẵng trong tương lai?

Dù không đoạt được HCV như dự kiến, nhưng sự tăng tiến về các thông số kỹ thuật đã khẳng định sự tiến bộ của Hoàng Quý Phước.

Thế nhưng, với Phó Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Đà Nẵng (Sở VH-TT&DL) Nguyễn Đông Hải, đó không phải là một kết quả đáng thất vọng như cách nghĩ của nhiều người:

- Xét về thành tích huy chương, có thể đó là một bước lùi, nhưng chúng tôi nhìn nhận vấn đề dưới giác độ chuyên môn và khoa học với những thông số kỹ thuật. Về các chỉ số, Phước đã có sự tăng tiến vượt bậc và đáng kể so với năm 2008 (xem bảng so sánh - PV). Vì thế, chúng tôi hoàn toàn hài lòng khi ở tất cả các cự ly thi đấu, Phước đã có sự chuẩn bị rất tốt và thực hiện đúng yêu cầu chỉ đạo trong quá trình thi đấu.

Không thể xem thành tích ấy là một sự thụt lùi khi người chiến thắng ở những nội dung mà Hoàng Quý Phước giành HCB đều là các tuyển thủ quốc gia như Nguyễn Thanh Hải (Quân đội, 100 mét tự do), Võ Thái Nguyên (An Giang, 100 mét bướm), Đỗ Huy Long (Quân đội, 50 mét bướm) hay Nguyễn Văn Tý (Quảng Bình, 200 mét hỗn hợp). Với những đàn anh từng có hơn 10 năm tập luyện, đang là thành viên đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games 25 và tất cả đều tập trung chuẩn bị ở mức tốt nhất, sự bất lợi của Hoàng Quý Phước là khá rõ. Hay nói như một số nhà chuyên môn, trong trường hợp này, Hoàng Quý Phước được ví như “mãnh hổ nan địch quần hồ” khi hầu hết các đàn anh đều xác định kình ngư Đà Nẵng là đối thủ chính yếu trong các nội dung thi đấu!

Cũng không thể không nói đến những yếu tố khách quan khi so với những đối thủ chủ yếu ở các đơn vị bạn vốn được thường xuyên tập trung tập huấn dài hạn ở nước ngoài, Hoàng Quý Phước không có được thuận lợi ấy. Bên cạnh những tác động khách quan, HLV Hoàng Quốc Huy (Quảng Tây) - từng huấn luyện Phước suốt 3 tháng trong năm 2008 - và HLV A Cử của Trung tâm Hải Cầm, Côn Minh - vốn hiểu rất rõ về khả năng chuyên môn của Hoàng Quý Phước - đã không thể tiếp tục huấn luyện cho “hy vọng Vàng” của bơi lội Đà Nẵng suốt thời gian qua.

Đồng thời, việc các thành viên đội tuyển được trang bị loại trang phục chế tạo bằng chất liệu polyurethane và các loại sợi tổng hợp, giúp làm giảm tối đa lực cản của nước - đang gây nhiều tranh cãi tại giải Vô địch Thế giới các môn thể thao dưới nước 2009 và bị ví như một loại “doping hợp pháp” - cũng đã tạo được những ưu thế nhất định. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân chính khiến Phước không thể bảo vệ thành công HCV một phần do thiệt thòi về trang phục thi đấu so với đối thủ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đông Hải, ngoài việc FINA (LĐ Bơi lội thế giới) sẽ cấm sử dụng những bộ trang phục bơi kỹ thuật cao bằng nhựa tổng hợp từ năm 2010 và bơi lội là một môn thể thao chu kỳ nên cơ hội để Hoàng Quý Phước khẳng định mình tại mùa giải 2010 vẫn đang rộng mở.


BẢO AN

;
.
.
.
.
.