Việc những Hoàng Quãng, Nguyên Sa, Văn Học, Cao Cường, Thanh Hưng… góp phần đáng kể để SHB Đà Nẵng giành “cú đúp” hay Văn Quân thi đấu khá hiệu quả dưới màu áo T&T Hà Nội, rồi Xuân Nam đóng góp vào việc trụ hạng của Quảng Nam như một sự khẳng định quan trọng về chất lượng đào tạo của bóng đá trẻ Đà Nẵng. Chưa kể đến tiền đạo Hà Minh Tuấn vừa được tập trung đội dự tuyển U-23 dù chỉ mới 19 tuổi.
Sự đầu tư căn cơ đã giúp bóng đá Đà Nẵng có những tài năng trẻ như Văn Mẹo (áo sẫm) để trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho CLB SHB Đà Nẵng. |
Chính vì thế, không ít gương mặt từng góp phần quan trọng vào ngôi vô địch của bóng đá U-21 Đà Nẵng (2003) như Trương Công Sỹ, Đặng Trọng Tâm, Nguyễn Văn Thương, Cao Ngọc Ngà, Huỳnh Ngọc Long… đã không thể có được chỗ đứng ở sân chơi chuyên nghiệp. Ngay như một gương mặt từng không ít lần được vinh danh tại các giải bóng đá U-21 như thủ môn Nguyễn Đức Nam giờ cũng phiêu bạt tại các đội hạng nhất.
Từng có một cuộc hội thảo với mục tiêu xây dựng bóng đá Đà Nẵng bền vững, song từ đặc thù của mình, bài học kinh nghiệm từ những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khác hầu như không thể vận dụng cho Đà Nẵng. Một trong những hạn chế rất lớn của Đà Nẵng vẫn là yếu tố con người. Bởi lẽ, khi bóng đá chưa được nhìn nhận như một nghề nghiệp, sẽ không có nhiều bậc cha mẹ “mạo hiểm” cho con đi theo nghiệp “quần đùi, áo số” với rất nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, từ cách làm của Đà Nẵng, bóng đá nơi đây đã thu hút được rất nhiều tài năng đến từ các địa phương trong cả nước.
Không ngẫu nhiên để HLV trưởng SHB Đà Nẵng Lê Huỳnh Đức tự hào: “Chúng tôi rất tự hào khi bóng đá Đà Nẵng vẫn giữ được bản sắc của mình. Cho dù bóng đá trẻ Đà Nẵng vẫn chưa có được một bảng thành tích vượt trội, song kết quả đạt được vẫn do tự thân của những người làm bóng đá Đà Nẵng và không có sự vay mượn. Nếu vẫn xác định mục tiêu lâu dài, không đặt nặng thành tích, bóng đá trẻ Đà Nẵng sẽ là nền tảng rất vững chắc để xây dựng và phát triển cho tương lai bóng đá Đà Nẵng”.
So với những “đại gia” khác trong “làng” bóng đá Việt Nam, Đà Nẵng hẳn không quá lo ngại về lực lượng cầu thủ nội khi những cầu thủ gốc Đà Nẵng đã từng bước trở thành những trụ cột của một số CLB chuyên nghiệp. Gần đây, xuất hiện những thông tin về việc SH Bank - đối tác của bóng đá Đà Nẵng - đang có ý định chỉ giữ lại tuyến U-21 để làm thành phần bổ sung cho CLB chuyên nghiệp và giải tán các tuyến U còn lại.
Có hay không điều này, rất cần một sự tỉnh táo để hệ thống bóng đá Đà Nẵng không bị phá vỡ cấu trúc vốn rất ổn định từ nhiều năm qua. Bởi chính từ sự đầu tư, chăm chút một cách căn cơ từ nhiều năm qua của thành phố Đà Nẵng, CLB SHB Đà Nẵng mới gặt hái được thành công hôm nay chứ không chỉ đơn thuần bỏ tiền để mua thành công như cách nghĩ của nhiều người.
BẢO AN