.

Liệu SH Bank còn đầu tư vào bóng đá Đà Nẵng?

.

Như muốn khẳng định vai trò SH Bank trong ngôi vô địch của bóng đá Đà Nẵng, một vị lãnh đạo Sở VH-TT&DL thành phố khá hùng hồn: “Nếu không có SH Bank, liệu bóng đá Đà Nẵng có vô địch quốc gia hay không? Người ta đã đổ vào đó đến 70 tỷ đồng chứ chẳng chơi!”. Chẳng ai phủ nhận sự thành công trong cuộc “hôn nhân” giữa SH Bank với bóng đá Đà Nẵng tại mùa bóng vừa qua.

Từ “chiếc nôi” Đà Nẵng, những cầu thủ trẻ này đã bước đầu thành danh để góp phần vào việc giành “cú đúp” của SHB Đà Nẵng ở mùa bóng 2009.

Nhưng nếu chỉ với tiền, Thể Công hoàn toàn có thể chiếm ngôi vô địch bởi Viettel từng đầu tư cho CLB này đến 75 tỷ đồng. Hoặc là những khoản chi rất “bạo” của Xi-măng Hải Phòng, T&T Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương…Cho nên, nếu “đọ” bằng tiền, CLB SHB Đà Nẵng chưa hẳn đủ khả năng lọt vào top 3, nói gì đến “cú đúp” vô địch!

Song, điều mà thầy trò Lê Huỳnh Đức được các đối thủ đánh giá cao nhất chính là yếu tố con người và tinh thần quyết đấu vì “màu cờ, sắc áo”. Dĩ nhiên, đấy chính là những yếu tố không chỉ và không thể mua được bằng tiền.

Rogerio hay Almeida đến với bóng đá Đà Nẵng đều trên dưới 5 năm. Những Châu Lê Phước Vĩnh, Lê Quang Cường, Phan Thanh Phúc, Huỳnh Quốc Anh… cùng được ươm mầm từ “chiếc nôi” bóng đá Đà Nẵng.

Và gần đây nhất là những Nguyên Sa, Hoàng Quãng, Thanh Hưng, Cao Cường… Không có công đào tạo nhưng chính cái tình của Đà Nẵng đủ sức giữ chân Võ Văn Hạnh, Trần Hải Lâm, Trần Đức Cường… cho dù những gương mặt này hoàn toàn có thể tìm được “bến đỗ” cho mình với những khoản “lót tay” ngất ngưởng. Xa hơn nữa chính là “tướng trẻ” Lê Huỳnh Đức dù đất Quy Nhơn là nơi đầu tiên anh đặt chân đến, để cuối cùng, Đức đã chọn Đà Nẵng làm “quê hương thứ hai của mình” như anh từng xác nhận. Và đây chính là những con người đã làm rạng danh thương hiệu của bóng đá Đà Nẵng lẫn SH Bank.

Cho nên, SH Bank còn “lãi” chán khi thương hiệu của doanh nghiệp này không bị tác động xấu. Thậm chí, thông qua bóng đá Đà Nẵng, hình ảnh của họ được “đánh bóng” đến rực rỡ. Chưa kể đến việc Hội CĐV Đà Nẵng lần đầu tiên được bình chọn là Hội CĐV số 1 Việt Nam. Thế nhưng, những gì bóng đá Đà Nẵng nhận được hoàn toàn không tương xứng như những phát biểu trước đó từ những ông chủ SH Bank.

Trong khi thị trường chuyển nhượng V-League đã nhộn nhịp với sự đầu tư “không tiếc tiền” từ Ninh Bình, Hải Phòng lẫn T&T Hà Nội thì với SHB Đà Nẵng, tất cả vẫn đang im lìm. Bất chấp ở mùa giải tới, thầy trò Lê Huỳnh Đức phải căng mình trên 4 mặt trận, mà 3 trong số đó, Đà Nẵng lại là đương kim vô địch. Ngay cả việc tái ký hợp đồng cùng Almeida, lãnh đạo thành phố cũng phải can thiệp và có những động thái cần thiết để giữ chân tiền đạo này. Thực ra, đây chẳng phải là điều gì mới mẻ khi ngay trong mùa bóng vừa qua, dù Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng được hình thành nhưng mọi quyết định đều lệ thuộc vào “bản doanh” của SH Bank tại Hà Nội.

Đã có những lo ngại về một cuộc hôn phối đổ vỡ khi SH Bank xem ra không còn mặn mà với bóng đá Đà Nẵng. Cũng chẳng lạ lắm khi T&T Hà Nội đã có một vị trí xứng đáng trên sân cỏ Việt Nam, theo quan điểm của ông chủ đội bóng này. Hơn nữa, khi Đà Nẵng vẫn thể hiện được “chủ quyền” của mình với bóng đá, phía SH Bank cũng thể hiện thái độ ngãng ra khá rõ nét. Và liệu đó có phải là một thái độ thiện chí với định hướng đầu tư nghiêm túc của SH Bank với bóng đá Đà Nẵng?

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.