.
ĐIỀN KINH ĐÀ NẴNG

Sự cảnh tỉnh kịp thời

.

Tại giải Vô địch Điền kinh quốc gia 2009, các VĐV Đà Nẵng chỉ giành được 3 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ. Tuy nhiên, ngay cả những chiếc HCV vừa có cũng nặng trĩu nỗi lo, bởi quá nhiều nguyên nhân…

Nguyễn Thị Thanh Phúc có nhiều cơ hội nhất để mang về cho điền kinh Đà Nẵng HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010).

- Cho dù Nhật Thanh giành 2 HCV nhảy xa và nhảy 3 bước, nhưng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), chúng tôi chỉ cố gắng tối đa để Nhật Thanh bảo vệ thành tích HCV nhảy xa. Trong lúc đó, khả năng bảo vệ HCV đi bộ của Thanh Phúc khả quan hơn nhiều. Đồng thời, Ngọc Ly cần tập trung nhiều hơn cho nội dung ném búa nữ… Phó trưởng Phòng Quản lý Huấn luyện (Trung tâm HL-ĐT VĐV) Phạm Tấn Đạt cho biết.

Dù đã giành đến 2 HCV, song gánh nặng tuổi tác đã ảnh hưởng rất lớn đến một VĐV nữ đang chuẩn bị vào tuổi 30 như Bùi Thị Nhật Thanh. Nếu ở hố nhảy 3 bước, Nhật Thanh vượt qua 13,16 mét thì một VĐV Hà Nội cũng đạt mức 13,09 mét. Và gương mặt trẻ này đang tràn đầy hy vọng truất phế Nhật Thanh trong một tương lai gần. Trong lúc đó, ở hố nhảy xa, Nhật Thanh - với thành tích 6,10 mét - cũng đang bị 2 VĐV khá trẻ của Hải Phòng (sinh năm 1988) và Vĩnh Long (sinh năm 1990) đeo bám rất sát với thành tích 6,09 và 6,06 mét. Thế nhưng, nếu tập trung tốt ở nội dung nhảy xa, cơ hội cho Nhật Thanh vẫn rất đáng kể.

Ngoài khả năng thống trị đường đua đi bộ nữ của Thanh Phúc, Ngọc Ly vẫn không hẳn mất cơ hội giành lại tấm HCV ném búa nữ dù tại giải Vô địch Điền kinh quốc gia vừa qua, cô gái này chỉ đoạt HCB. Nguyên nhân chính của một mùa thi đấu không thành công được cô giải thích là đang tập trung học Đại học TDTT.

Bên cạnh đó, không hẳn điền kinh Đà Nẵng đã chấm dứt những cơ hội khi vẫn còn Trương Văn Tiên (nhảy sào nam), Nguyễn Thanh Ngưng (đi bộ nam) hay Phan Thị Hành Hương (ném búa nữ), Ngô Thị Ánh (ném đĩa nữ) và Nguyễn Thị Mộng Mơ (400 mét rào nữ). Theo HLV Phạm Tấn Đạt, không quá bi quan nhưng qua thực tế thi đấu, có thể thấy, mặc dầu điền kinh Đà Nẵng đã nhận được sự đầu tư đáng kể song mức độ đầu tư ở không ít đơn vị bạn không hề thua kém.

Tuy nhiên, với chủ trương của thành phố cho VĐV giành HCV được trợ cấp 2,5 triệu đồng/tháng trong suốt 12 tháng cùng mức ăn hiện nay 90 nghìn đồng/người cũng đã tạo được động lực tích cực để các VĐV Đà Nẵng nỗ lực hơn trong tập luyện, thi đấu. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Trung tâm HL-ĐT VĐV là, liệu chủ trương này có được duy trì thường xuyên hay không để tiếp tục kích thích sự nỗ lực của HLV và VĐV các đội tuyển Đà Nẵng? Bởi lẽ, sự đầu tư cho thể thao nói chung không chỉ tập trung theo từng giai đoạn một khi chu kỳ huấn luyện, đào tạo VĐV là thường xuyên, liên tục.

Nếu nói những kết quả nói trên là thất bại, theo HLV Phạm Tấn Đạt, đó cũng là điều cần thiết để điền kinh Đà Nẵng cảnh tỉnh kịp thời, có điều kiện nhìn nhận, đánh giá lại chính mình trước khi quá muộn. Còn hiện nay, tất cả tập trung cao độ khi quỹ thời gian để chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) đang ngắn dần.

Trong đó, điều quan trọng nhất là kế hoạch tập huấn của điền kinh cần được xác định sớm về thời gian và địa điểm để điền kinh Đà Nẵng không phải một lần nữa thất bại trên sân nhà như đã từng xảy ra tại Đại hội lần thứ 5.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.