.
SAU 2 NGÀY THI ĐẤU ĐẦU TIÊN TẠI AIG 3 (2009)

Đoàn Việt Nam tạm xếp thứ nhì

.

Trong 2 ngày thi đấu đầu tiên (31-10 và 1-11), các VĐV Vovinam đã xuất sắc giành 6 HCV và sớm hoàn thành mục tiêu tại AIG 3.

Các tuyển thủ Việt Nam đã xuất sắc giành HCV nội dung Đa luyện vũ khí nam môn Vovinam.

Sau 2 HCV ở nội dung Tự vệ nữ giới của đôi VĐV Nguyễn Văn Cường – Nguyễn Thị Phượng và HCV ở nội dung Đòn chân tấn công (nam) của 4 VĐV Nguyễn Văn Cường, Phan Ngọc Tới, Nguyễn Bình Định, Nguyễn Khắc Nguyên trong buổi thi đấu sáng; tối 31-10, các VĐV Vovinam tiếp tục lập công khi giành 3 HCV các nội dung Đa luyện vũ khí (nam) của Cao Vũ Linh, Võ Trần Hoàng Mai, Trần Thanh Sơn và Nguyễn Văn Thời, đối kháng nữ hạng 55kg của Phan Thị Ngọc Hân và đối kháng nam hạng 55 kg của Thân Lại Kim Long. Tối 1-11, ở nội dung đối kháng nam hạng cân 60 kg, Võ Nguyên Linh đã xuất sắc giành chiến thắng chung cuộc 11-4 trước đối thủ Iran.

Điền kinh Việt Nam cũng có một ngày ra quân thắng lợi bằng chiếc HCV cùng kỷ lục châu Á trên đường chạy 60 mét của nữ hoàng điền kinh người Thái Nguyên Vũ Thị Hương với thành tích 7 giây 24. Kết quả trên giúp Vũ Thị Hương lập kỷ lục mới của Asian Indoor Games và cũng là kỷ lục châu Á ở cự ly 60 mét, phá kỷ lục cũ mà vận động viên người Thái Lan, Nongnuch Sanrat xác lập ở AIG 2 (2007).

Trong lúc đó, dù được dành cho nhiều hy vọng trên đường chạy 1.500 mét khi căn cứ vào các chỉ số chuyên môn gần đây giữa Thanh Hằng với đối thủ Liu Qing (Trung Quốc) – vô địch cự ly 800 mét ở AIG 2 (2007) – và dẫn đầu gần như suốt cuộc đua nhưng ở những cú nước rút, Thanh Hằng không còn duy trì được lợi thế để Qing Liu (Trung Quốc) giành HCV với thành tích 4 phút 19 giây 04; Mimi Belete (Bahrain) giành HCB với thành tích 4 phút 19 giây 79; trong lúc Thanh Hằng chỉ giành HCĐ với thành tích 4 phút 23 giây 04.

Ở nội dung nhảy sào nữ, việc giành HCB cũng có thể coi là thành công lớn đối với Lê Thị Phương khi thành tích của cô đã vượt qua những đối thủ mạnh đến từ Thái Lan, Indonesia với mức xà 4 mét. Người giành HCV nội dung nhảy sào nữ là Ling Li (Trung Quốc) với mức xà ấn tượng 4,45 mét; Desy Megrgawati (Indonesia) đoạt HCĐ với cùng thành tích 4 mét như Lê Thị Phương.

Cũng ở ngày thi đấu đầu tiên, nữ VĐV 5 môn phối hợp Nguyễn Thị Thu Cúc đã mang về chiếc HCĐ cho đoàn Việt Nam với thành tích 755 điểm, xếp sau HCV là Wassana Winnatho (Thái Lan, 771 điểm) và HCB Haili Liu (Trung Quốc, 763 điểm).

Trong ngày thi đấu thứ 2, các VĐV điền kinh Việt Nam đã không tái lập được thành tích xuất sắc của Vũ Thị Hương khi Nguyễn Duy Bằng sớm dừng bước khi không vượt qua được mức xà 2,14 mét. Chung cuộc, tuy cùng vượt qua mức xà 2,22 mét nhưng Tsykunov Vitaliy (Kazakhstan) đã giành HCV nhờ có thành tích tốt hơn ở những lượt nhảy trước so với Majed aldin (Syria). HCĐ thuộc về Zhao Kuansong (Trung Quốc) với mức xà 2,20 mét.

Cùng với chiếc HCV ở nội dung lặn 100m vòi hơi chân vịt nam của Nguyễn Trung Kiên (thành tích 37 giây 01) ở ngày thi đấu đầu tiên, tối 1-11, nam VĐV Nguyễn Nhật Tú cũng giành chiếc HCV thứ 2 cho đội tuyển Lặn ở nội dung 100 mét vòi hơi chân vịt đôi.

Cũng trong ngày 1-11, Futsal Việt Nam đã dừng bước tại AIG 3 ngay trên sân nhà khi cả 2 đội tuyển nam và nữ đều không thể tạo được bất ngờ ở lượt đấu cuối (diễn ra vào chiều 1-11).

Dù có cùng 3 điểm sau 2 trận như Jordan nhưng kém chỉ số phụ nên đội tuyển Futsal nữ Việt Nam buộc phải giành chiến thắng mới có thể lọt vào bán kết. Tuy nhiên, trước một đối thủ vượt trội về nhiều mặt, những nỗ lực của các tuyển thủ nữ Việt Nam cũng chỉ là một thất bại sít sao 2-3 với những nỗ lực đáng trân trọng. Trong trận đấu khác mang tính thủ tục trước đội tuyển Jordan, các cầu thủ nam Việt Nam đã tiếp tục nhận thất bại 3-6. Qua đó, Futsal Việt Nam đã chính thức dừng cuộc chơi tịa AIG 3 chỉ sau vòng đấu bảng.

Tuy nhiên, vào cuối ngày thi đấu thứ 2, các môn thể thao trí tuệ cũng đã mang lại niềm vui cho Thể thao Việt Nam.Ở môn Cờ vua, sau 2 ván đấu (1 thắng, 1 hòa) trong trận chung kết, 4 kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Quang Liêm, Hoàng Thị Bảo Châm, Phạm Lê Thảo Nguyên đã xuất sắc vượt qua 4 vận động viên Ni Hua, Zhou Jianchao, Ju wenjun, Huang Qian (Trung Quốc) để giành HCV. Đồng thời, đội tuyển E-Sport, đã xuất sắc đánh bại Mông Cổ 2-1 trong trận chung kết để giành tấm HCV về cho đoàn chủ nhà.

Trong nội dung billiards carom 3 băng, cơ thủ Dương Anh Vũ đã giành quyền vào bán kết sau khi “đàn anh” Lý Thế Vinh bị loại từ vòng tứ kết. Sau 2 ngày thi đấu, đoàn Trung Quốc tạm dẫn đầu với 8 HCV, 5 HCB và 3 HCĐ. Đoàn Thể thao Việt Nam dù có cùng 8 HCV nhưng chỉ giành 4 HCB và 5 HCĐ nên tạm xếp thứ nhì.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.