.

Kết quả bốc thăm World Cup 2010: Đại gia nhẹ gánh

.

(ĐNĐT) - Kết quả bốc thăm chia bảng World Cup 2010 đêm qua đã may mắn không đưa ra hai bảng đấu quá chênh lệch nhau: đó là một bảng “tử thần” và một bảng chỉ gồm những đối thủ “hạng lông”. Đa số các HLV ở đội lớn đều hài lòng với kết quả này.

Quang cảnh lễ bốc thăm chia bảng World Cup 2010 tại Cape Town, Nam Phi

Đội bóng 5 lần vô địch Brazil lọt vào bảng đấu được đánh giá là nặng nhất World Cup 2010 khi phải đối diện với Bờ Biển Ngà và Bồ Đào Nha, trong khi đối thủ nhẹ ký nhất là CHDCND Triều Tiên.

Nói là bảng đấu nặng ký bởi vì Brazil phải gặp hai đối thủ nằm trong top 16 đội đứng đầu danh sách xếp hạng của FIFA. HLV Dunga cho biết: “Chúng tôi không gặp đối thủ nhẹ thì những đội cùng bảng cũng chịu cảnh tương tự, nhưng Brazil luôn rất tự tin ở những giải đấu lớn như thế này”.

Các nhà ĐKVĐ châu Âu, Tây Ban Nha chưa từng một lần bước lên ngôi vô địch thế giới có thể “thong dong” ở vòng bảng bởi vì 3 đối thủ có trình độ thấp hơn rất nhiều là Thụy Sỹ, Honduras và Chile. Mặc dù vậy, HLV Del Bosque vẫn cẩn thận nói: “Chưa thể kiểm chứng chất lượng các đối thủ này. Dù nhiều người nhận định chúng tôi lọt vào bảng dễ nhưng không nên chủ quan”. Ngài “râu kẽm” có lý do để nói về sự thận trọng, bởi vì ông cần phải tính toán để đừng gặp Brazil ở vòng đấu knock out đầu tiên.

Chủ nhà Nam Phi có nhiều hy vọng sẽ giành quyền lọt vào vòng sau bởi đối thủ lần lượt là Mexico, Uruguay và Pháp. Đó là bảng đấu tương đối dễ chịu và giới bình luận nhận định hai tấm vé đi tiếp nhiều khả năng sẽ thuộc về chủ nhà và Pháp. Nam Phi có lợi thế là chủ nhà, còn Pháp tuy không được chọn là hạt giống nhưng luôn là đội bóng lớn và là một trong những ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch.

Tiền vệ David Beckham có tham gia trong buổi lễ bốc thăm đã nhoẻn miệng cười khi đội tuyển Anh lọt vào bảng với Mỹ, Algeria và Slovenia. Nếu như Algeria và Slovenia có độ chênh về trình độ đáng kể so với “Tam sư” thì HLV Capello có thêm Becks làm “trợ lý” về cuộc đối đầu đầu tiên với người Mỹ bởi Becks đã nhiều năm chơi bóng tại đây.

Trong lịch sử World Cup, chỉ có một lần Anh – Mỹ đối mặt nhau ở World Cup 1950 và người Mỹ giành thắng lợi 1-0. Capello tỏ ra tôn trọng đối thủ: “Nếu bạn chơi bóng tại Anh nghĩa là bạn có trình độ khá cao bởi Premier League là giải đấu khắc nghiệt. Cũng như bạn chơi bóng rổ tại Mỹ nghĩa là bạn có trình độ rất cao. Có nhiều cầu thủ Mỹ chơi bóng tại Anh nên có thể khẳng định đội tuyển Mỹ là đội mạnh mà bất cứ đội nào cũng phải dè chừng”.

Kể từ giải đấu năm 1986 đến nay, chưa một lần Đức thua 1 trận ở vòng bảng, nhưng lần này chưa thể đảm bảo một cách chắc chắn bởi họ phải gặp Úc, Serbia và Ghana. Ông Loew, HLV trưởng Đức cho biết: “Gặp Úc đầu tiên không hề dễ dàng, bởi chúng tôi từng thắng họ nhọc nhằn 4-3 tại Confederations Cup 2005. Serbia là đội bóng tiến bộ rất nhanh mà bằng chứng là “bỏ” Pháp lại phía sau ở vòng loại khu vực”.

Các nhà ĐKVĐ Ý khởi đầu chiến dịch bảo vệ ngôi vô địch có lẽ khá nhàn nhã nhờ nằm chung bảng với New Zealand, Paraguay và Slovakia. Điều đó thấy rất rõ qua phát biểu của HLV Marcelo Lippi như thể vượt qua vòng bảng là chuyện đương nhiên: “Chúng tôi sẽ phải gặp đối thủ khó chịu ở vòng knock out nên không vội mừng vì được nằm ở bảng đấu nhẹ. Ý phải chứng tỏ sức mạnh ngay từ đầu. Một trong những đối thủ Ý có thể gặp ở vòng sau là Hà Lan hoặc Cameroon bởi hai đội bóng này nằm cùng bảng với Nhật Bản và Đan Mạch.

Cuối cùng, đội tuyển duy nhất không có mặt HLV trưởng ở lễ bốc thăm là Argentina (Maradona đang thụ án phạt 2 tháng cấm hoạt động bóng đá của FIFA) rơi vào bảng đấu khá căng với Nigeria, Hàn Quốc và Hi Lạp. Cả ba đối thủ này không có tiềm lực đi xa nhưng đều có lối chơi rất khó chịu cho Argentina. Họ đá áp sát hoặc phản công nên Argentina sẽ rất khó chơi.

Kết quả bốc thăm:

Bảng A: Nam Phi, Mexico, Uruguay, Pháp

Bảng B: Argentina, Nigeria, Hàn Quốc, Hi Lạp

Bảng C: Anh, Mỹ, Algeria, Slovenia

Bảng D: Đức, Úc, Serbia, Ghana

Bảng E: Hà Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Cameroon

Bảng F: Ý, Paraguay, New Zealand, Slovakia

Bảng G: Brazil, CHDCND Triều Tiên, Bờ Biển Ngà, Bồ Đào Nha

Bảng H: Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Honduras, Chile

HẠC NGUYỄN

;
.
.
.
.
.