.

Nghĩ xa hơn chiếc ao làng

.

Khoảng cách

Sân chơi SEA Games mùa này sôi động hẳn lên từ lúc chưa mở màn với cuộc tranh tài ở môn thể thao vua. Chất hào hứng xuất phát từ tính cạnh tranh máu lửa giữa những người láng giềng quá quen mặt nhau qua các kỳ vận hội và được đẩy thành cao trào bằng những cú nước rút bất ngờ. Chiến thắng đầy thuyết phục của Lào trước Indonesia ở bảng B môn bóng đá nam phát đi tín hiệu ngoạn mục về sự trỗi dậy của các nền thể thao thấp bé trước các “đàn anh” vốn làm mưa làm gió sân chơi này nhiều mùa trước.

Kéo cờ khai mạc SEA Games 25. (Ảnh tư liệu)

Trông các đàn em của Yulianto vất vả trước lớp hậu duệ của Keolakhone mới thấy thời thế đang bắt đầu đổi thay ở khu vực vốn được xem là vùng trũng của bóng đá thế giới. “Người anh cả” Thái Lan dường như cũng bắt đầu lo lắng cho vị trí độc tôn một thời gian dài của mình sau cuộc đối đầu ngang ngửa với Việt Nam.

Có một nghi vấn nảy sinh: Khoảng cách trình độ được thu hẹp do các đội bé kỳ công vươn lên cho bằng anh bằng chị hay do các ông lớn bắt đầu chểnh mảng, không còn hứng thú với sân chơi nhỏ hẹp quanh chiếc ao làng? Người ta không tìm thấy trong lứa cầu thủ được xem là triển vọng của Thái Lan những Natipong, Kiatisak năm nào.

Cũng vậy, thiếu hẳn bóng dáng những Bambang, Widodo trong đội hình trẻ của Indonesia và những trụ cột trong màu áo Singapore, Malaysia cũng còn lâu mới đuổi kịp tài năng, đẳng cấp của thế hệ đàn anh. Đấy là một nỗi lo có cơ sở, nhất là khi chứng kiến nét thô vụng của Đông Timor qua những cuộc tranh tài quá chênh lệch về chuyên môn và tỷ số trước các đối thủ cùng bảng. Bóng dáng nghiệp dư, trên thực tế đã làm phai nhạt ít nhiều kỳ vọng từ phía công chúng về chất lượng của một giải đấu mang tính nền tảng cho bước phát triển của bóng đá khu vực.

Trở về nguyên bản

Trở về mục đích nguyên bản là ý kiến mang tính trông đợi của ông Nguyễn Hồng Minh, người từng nhiều năm liền dẫn dắt đoàn thể thao Việt Nam ở các kỳ tranh tài khu vực. Bằng cái nhìn từng trải, ông Minh chỉ ra rằng từ năm 1995 trở về trước, các cuộc tranh tài ở SEA Games diễn ra trung thực, ngay thẳng, thể thao Đông Nam Á nhờ vậy tiến bước lành mạnh; song trong vòng 15 năm trở lại đây, không gian tranh tài sòng phẳng ấy không còn nữa, các chủ nhà thường tìm mọi cách dồn lợi thế về phía mình nhằm giành vị thứ cao trong bảng xếp hạng và huy chương.

Thúc ép về thành tích đã khiến nhiều chủ nhà đưa vào chương trình thi đấu các môn thế mạnh của mình, đồng thời loại bỏ các nội dung thi đấu sở trường của các đối thủ để “hốt” huy chương. Sân chơi SEA Games, vì thế, đánh rơi cái đích cần thiết là dùng việc tranh tài trong nội bộ Đông Nam Á để đo lường sức vóc chính mình, từ đó tìm ra giải pháp nâng chất nhằm cạnh tranh với bè bạn năm châu.

Không nhắm đến cái đích tối thượng này, thể thao khu vực bỏ phí cơ hội vàng trong hành trình vươn lên bằng chị bằng em; xa rời mục tiêu nhìn lại chỗ yếu, điểm mạnh của mình để tìm hướng phát triển, các tấm huy chương trở nên khô khốc vô hồn.

Trên đất nước Lào hiền hòa tươi đẹp vốn chuộng tính thật thà trung thực, vận hội lần này sẽ xóa dần những ràng buộc trì níu để cộng đồng thể thao Đông Nam Á tìm cách thoát ra khỏi chiếc ao làng tù đọng chật hẹp?

TƯỜNG PHƯỚC

;
.
.
.
.
.