.
NGÀNH TDTT ĐÀ NẴNG

Cơ chế và chiến lược đào tạo vận động viên

.

Không chỉ hướng đến những mục tiêu đã đề ra tại Đại hội Thể dục-Thể thao (TDTT) toàn quốc 2010, ngành TDTT thành phố đã xác định chiến lược xây dựng lực lượng để tạo một nền tảng bền vững cho tương lai Thể thao Đà Nẵng. Thành phố cũng đã dành những ưu tiên cho ngành trong việc xây dựng kế hoạch tập huấn, chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), cho phép nâng cao các chế độ của VĐV.

Lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn, một VĐV xuất sắc và là thành quả đào tạo của Thể thao Đà Nẵng.

Trước đây, khi thực hiện Thông tư liên tịch 127/2007 (thành viên đội tuyển quốc gia hưởng 120.000 đồng/ngày; đội tuyển trẻ 90.000 đồng/ngày; đội tuyển tỉnh, ngành 90.000 đồng/ngày; đội tuyển trẻ tỉnh, ngành 70.000 đồng/ngày và VĐV năng khiếu các cấp 50.000 đồng/ngày), các VĐV Đà Nẵng chỉ được hưởng chưa đến 50% và đến tháng 9-2009, chế độ dinh dưỡng mới được nâng lên bảo đảm 100%. Mới đây, lãnh đạo thành phố đã đồng ý nâng chế độ cho các VĐV Đà Nẵng lên mức thường xuyên 90.000 đồng/ngày và trong tập huấn, thi đấu, các VĐV sẽ được hưởng 120.000 đồng/ngày cùng tiền lương mỗi ngày 50.000 đồng/VĐV đội tuyển và 25.000 đồng/VĐV trẻ.

Mức khen thưởng huy chương các loại cũng được nâng từ 3 triệu đồng/HCV, 2 triệu đồng/HCB, 1 triệu đồng/HCĐ lên mức tương ứng 5 triệu đồng, 3 triệu đồng và 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ dự kiến chi phí tập huấn khoảng 3,5 tỷ đồng, thành phố đã quyết định nâng đến gần 5 tỷ đồng và tổng kinh phí điều chỉnh cho ngành TDTT lên đến gần 16 tỷ đồng.

Thành phố cũng đã giao cho ngành TDTT toàn quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch tập huấn về thời gian, địa điểm, con người trên tinh thần bảo đảm các yêu cầu chuyên môn và kinh phí đã được phê duyệt.

Theo mục tiêu đề ra, ở giai đoạn khởi đầu của Đại hội TDTT toàn quốc 2010, các đội tuyển phải nỗ lực cao mới giành được những thành tích khả quan để tạo tiền đề cho ngành TDTT phát triển. Cùng với Bơi lội, đội tuyển Cử tạ cũng sẽ tập huấn tại Trung Quốc, bắt đầu từ đầu năm 2010 và chỉ trở về nước vào tháng 11 để chuẩn bị cho công tác thi đấu. Dự kiến, 2 đội tuyển Bơi lội và Cử tạ sẽ đảm nhận phần lớn trọng trách giành Vàng cho Thể thao Đà Nẵng với kế hoạch từ 12-15 HCV. Bên cạnh, các đội tuyển còn lại cũng đã hoàn chỉnh kế hoạch tập huấn, cả trong và ngoài nước.

Như thế, với sự quan tâm đầu tư thích đáng của thành phố, trách nhiệm của ngành TDTT Đà Nẵng không chỉ dừng ở mức giành kết quả khả quan tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) mà còn là chặng đường xa hơn cho định hướng tương lai phát triển vững bền của Thể thao Đà Nẵng.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.