1- Cuối năm, người ta bỗng nói nhiều về tiền thưởng và thu nhập của cầu thủ bóng đá nữ sau một SEA Games nửa vui nửa buồn. Từ chuyện “lên hương” của tuyển thủ nữ (lên hương vì được thưởng mức cao nhất từ trước đến nay - khoảng 10 tỷ đồng) và tình cảnh hắt hiu của tuyển thủ U-23 Việt Nam khi để tuột vào phút chót khoản thưởng khổng lồ, thời sự bóng đá hậu SEA Games lôi ra cảnh lép vế của bóng đá nữ trước cái bóng cao to của bóng đá nam.
Cũng là chơi bóng, cũng cái sân cỏ cùng kích thước, cái khung thành chẳng hề thu hẹp và thời gian thi đấu thì vẫn đủ 90 phút không hơn không kém, nhưng bóng đá nữ lâu nay bị xem nhẹ quá chừng. Mấy ai biết họ từng đem về 4 huy chương vàng SEA Games và hiện giữ ngôi số một Đông Nam Á! Yêu thích, mến mộ là chuyện của trái tim công chúng nhưng thật đáng buồn khi chính các nhà quản lý, hoạch định chiến lước phát triển lại thiếu cái nhìn tỉnh táo, cũng để lòng mình bên trọng bên khinh.
Trong bối cảnh ấy, chuyện các tuyển thủ nữ được công chúng tôn vinh sau thành công ở Vientiane được xem như một ưu đãi của sân cỏ dành cho người có chí. Thầm lặng, kiên trì, họ đã mang vinh dự, tự hào về cho đất nước, mang niềm vui đến bao con tim khao khát chiến công thao trường. Và, trong chừng mực nào đó, bằng tài năng và lòng quả cảm, chính các cầu thủ nữ đã mang cái phúc đến với người hâm mộ trong lúc kiếm tìm hy vọng cho sân cỏ ngày mới.
2- Thất bại của bóng đá nam ở SEA Games 25 gieo vào lòng công chúng nỗi buồn sâu nặng mà thánh thiện. Khi bóng đá ngày càng trở thành nơi chốn hồn nhiên nhất để con người tỏ bày lòng yêu nước và tình tự dân tộc thì nỗi buồn kia xứng đáng được trân trọng. Dòng nước mắt trên gương mặt của cô gái đương xuân, khóe miệng mếu máo của em bé khi hay tin đội nhà bại trận, vẻ thẫn thờ của cụ già sau tiếng còi mãn cuộc trận chung kết ở Vientiane, tất cả có thể là bức tranh đẹp hiển hiện sinh động tình cảm và sự trông chờ của người hâm mộ đối với tương lai của nền bóng đá nước nhà. Vì vậy, trong thất bại, vẫn thấy bóng dáng của hy vọng, âm vang của cái phúc. Đó là cái phúc dành cho người biết đứng dậy sau thất bại, biết kịp thời rút ra bài học từ lần vấp ngã để hun đúc thêm sức mạnh hướng về phía trước.
Đừng quên rằng ngôi nhà bóng đá Việt Nam vẫn bị chê là thiếu nền móng, trong đó không ít người chỉ chăm chăm thu hoạch cái ngọn mà bỏ bê cái gốc là kiến tạo một nền bóng đá vững bền từ cơ sở với các tuyến cầu thủ được phát hiện và đào tạo căn cơ, bài bản qua sân chơi học đường. Thành công sớm quá có thể làm hoa mắt những người có trách nhiệm, tạo đà hãnh tiến cho không ít người quen thói chạy theo thành tích trước mắt mà thiếu hẳn các tính toán khoa học.
Không ít quan chức lãnh đạo VFF sống nhờ hào quang của các đội tuyển mà quên trau dồi năng lực, phẩm hạnh. Nếu huy chương vàng SEA Games vừa rồi được quàng vào cổ các tuyển thủ U-23 thì biết đâu lại chắp thêm thói chủ quan, cao ngạo cho không ít người, trong đó có những quan chức chịu trách nhiệm với tương lai nền bóng đá xứ sở. Niềm hân hoan dễ dãi có thể khiến người ta bằng lòng với chính mình và lững thững với hành trình tìm đến cái đích xa hơn.
Chờ đợi niềm vui đích thực, niềm vui được xây đắp bằng sức mạnh, tài năng, ý chí của một nền bóng đá phát triển đúng hướng, không chắp vá khiên cưỡng, không chạy theo thành quả nhất thời, với công chúng, cũng là một cái phúc.
TƯỜNG PHƯỚC
.
.
Phúc của công chúng
Chủ Nhật, 03/01/2010, 08:54 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.