.

Thú nhận đáng buồn

Một nghi vấn đang gây bức xúc trong công chúng bóng đá Việt Nam những ngày qua xảy ra quanh việc tuyển thủ quốc gia Dương Hồng Sơn khai báo bị mất hộ chiếu để khỏi phải lên đường đến Lebanon dự trận vòng loại Asian Cup. Dư luận xã hội bày tỏ thái độ bất bình, chê trách tuyển thủ từng đoạt “Quả bóng vàng” này vô trách nhiệm, thiếu khát vọng màu cờ sắc áo. Nhiều người đòi hỏi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải tìm cho ra lẽ và có hình thức chế tài thích đáng nếu thực sự tuyển thủ này đã gian dối để trốn tránh trách nhiệm.

Một tuyển thủ quốc gia tìm cách thoái thác nhiệm vụ, ngại gian khó và chỉ chịu khoác áo tuyển thủ trong những trận đấu có lợi cho mình quả là điều đáng xấu hổ cho không riêng bản thân cầu thủ ấy mà còn cho cả những người giữ trọng trách quản lý, điều hành làng bóng xứ sở. Điều khiến công chúng ngạc nhiên và nhức nhối hơn ở chỗ chính người đứng đầu cơ quan quản lý bóng đá, ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân sự cố này rằng, không riêng Dương Hồng Sơn, nhiều tuyển thủ khác cũng có cách tính toán như cầu thủ này.

Khi người lãnh đạo cao nhất của VFF công khai than thở rằng chuyện thoái thác nhiệm vụ vốn là hiện tượng chẳng hề hiếm trong đội ngũ những người đang khoác vào mình chiếc áo tuyển thủ, phải chăng đó là dấu hiệu bất hạnh của một nền bóng đá? Nó cho thấy phần nào mặt trái ở đội tuyển bóng đá nam, rằng không ít tuyển thủ xem đội tuyển như một nơi phục vụ quyền lợi riêng tư ích kỷ của họ nhiều hơn là cống hiến cho khát vọng sắc áo màu cờ hay cho niềm vui, lòng tự hào của công chúng cả nước.

Trên tất cả, lời thú nhận của người đứng đầu VFF phơi bày thực tế về lỗ hổng văn hóa ở một bộ phận tuyển thủ và sự xơ cứng vô hồn trong đời sống tinh thần của các đội tuyển. Đáng ngạc nhiên hơn cả là thực trạng ấy kéo dài nhiều năm qua nhưng các nhà quản lý và những người có trách nhiệm vẫn thờ ơ, dửng dưng xem như… chuyện vặt. Chỉ khi lộ ra “sự cố Dương Hồng Sơn” thì họ mới ngồi đó để xuýt xoa mà than trách.

Dường như cho đến lúc này, nhiều quan chức ở VFF vẫn nghĩ rằng thái độ trốn tránh của Dương Hồng Sơn và những tuyển thủ có cùng cách tính toán như Sơn là chuyện của cá nhân từng cầu thủ, họ không hề nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình khi để xảy ra chuyện này. Trên thực tế, công chúng từng báo động về tình trạng buông lỏng phần hồn trong sinh hoạt ở một số đội tuyển, sự thiếu nghiêm túc trong khen thưởng, xử phạt, thiếu chặt chẽ trong thực hiện các biện pháp chế tài đối với những người không làm tròn hoặc thoái thác trách nhiệm.

Ông Nguyễn Trọng Hỷ, trong lúc bức xúc, nói rằng sẽ có biện pháp giáo dục Dương Hồng Sơn, thậm chí sẽ không tiếp tục gọi cầu thủ này vào đội tuyển. Nói thì nói vậy chứ ai cũng biết không ít quan chức VFF sống và làm việc mỗi ngày lệ thuộc khá nhiều vào thành tích của các đội tuyển, công trạng của họ vốn “ăn theo” các tấm huy chương của các đội tuyển. Kỷ luật hoặc gạt tên một tuyển thủ nòng cốt chẳng hề là chuyện đơn giản khi phần lớn đời sống kinh tế của bản thân và gia đình cầu thủ gắn với câu lạc bộ trả lương cho họ. Phải chăng đây chính là ngọn nguồn của thực trạng không ít tuyển thủ ngại cống hiến sức lực, tài năng cho đội tuyển?

Tính chuyên nghiệp của cơ quan điều hành, quản lý bóng đá phải được thể hiện trong các giải pháp đồng bộ, khoa học, có trách nhiệm với sự phối hợp giữa VFF và các câu lạc bộ về việc quản lý, tuyển chọn, sử dụng cầu thủ làm nhiệm vụ cho các đội tuyển quốc gia. Chưa có được điều này thì những “chuyện buồn Dương Hồng Sơn” sẽ khó mà chấm dứt.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.