.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI QUỐC GIA NGUYỄN VĂN MÙI:

Nâng cao hơn nữa chất lượng trọng tài

.

Tính cạnh tranh tại V-League 2010 được dự báo rất cao. Vì thế, công tác chuẩn bị của Hội đồng Trọng tài quốc gia (HĐTTQG) cho mùa giải năm nay cũng có những thay đổi, không chỉ để phù hợp với những quy định của FIFA và AFC. Chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi (ảnh) cho biết:

- Sau khi tiến hành Hội nghị trọng tài quốc gia khóa 6, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho 180 trọng tài (TT) tham gia điều hành các giải đấu trong năm. Trong đợt tập huấn này, ngoài việc rút kinh nghiệm những sai sót của TT ở mùa giải trước, HĐTTQG cũng thống nhất các điều luật và phương pháp để bắt đầu áp dụng trong mùa giải 2010.

Mùa giải này, ngoài 2 TT Trần Khánh Hưng và Lê Quốc Ân nghỉ theo quy định, 2 trọng tài Dương Văn Hiền và Nguyễn Thanh Hạ cũng làm đơn xin không tham gia điều hành vì lý do sức khỏe. Mặc dầu những sự vắng mặt này có thể ảnh hưởng phần nào đến khả năng điều hành của TT, song chúng tôi đã có sự chuẩn bị về lực lượng và có phương án bổ sung 5 TT từ giải hạng nhất lên, không chỉ để tham gia điều hành V-League 2010 mà còn là bước chuẩn bị cho tương lai.

* Trong công tác tập huấn, trọng tài đã được cung cấp thêm những kiến thức mới nào để áp dụng từ mùa giải 2010, thưa ông?

- FIFA đã có 2 thay đổi về vấn đề chỉ đạo của HLV trong khu kỹ thuật và luật việt vị. Cụ thể, trước kia, trong một thời điểm, chỉ có 1 HLV được phép ra chỉ đạo và phải trở về ngồi lại trong khu kỹ thuật. Nhưng từ mùa bóng 2010, HLV sau khi chỉ đạo vẫn có thể đứng ở khu kỹ thuật, thay vì phải buộc trở lại ngồi vào băng ghế chỉ đạo. Về luật việt vị, đã có những tranh cãi khi một cầu thủ của đội phòng thủ ra khỏi sân, dẫn đến tình trạng cầu thủ tấn công rơi vào thế việt vị. Từ năm 2010, khi một cầu thủ phòng ngự rời sân vì bất cứ lý do gì mà chưa được phép của trọng tài thì xem như cầu thủ ấy vẫn còn thi đấu trên sân và cầu thủ tấn công không bị việt vị. Ngoài ra, bản chấm điểm trọng tài từ mùa giải 2010 cũng được áp dụng theo bản chấm điểm mới của AFC. Trong đó, các trận đấu sẽ được chia làm 3 cấp độ khác nhau, từ khó cao, khó trung bình đến khó dễ, lần lượt với các thang điểm khác nhau từ 5, 4 và 3. Những trọng tài hoàn thành nhiệm vụ ở các trận đấu khó cao sẽ được điểm tối đa 9-10, ở 2 cấp độ còn lại có thang điểm thấp hơn (từ 8,5-8,9 điểm và 8-8,4 điểm).

Trọng tài luôn phải có mặt tại các “điểm nóng” là một trong những yêu cầu bức thiết trong công tác điều hành một trận bóng đá. 

* Thưa ông, từ quan niệm “sai lầm của trọng tài là một phần tất yếu của bóng đá”, liệu rằng sẽ có những trọng tài “tận dụng” kẽ hở này để thực hiện các ý đồ cá nhân hay không?

- Ngay cả các trọng tài thế giới và ở các giải đấu lớn như vòng loại cho đến vòng chung kết World Cup, EURO... đều có những sai sót. Bài học kinh nghiệm ấy giúp TT có thể chuẩn bị tốt hơn cho quá trình điều hành. Sự khác biệt giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá thế giới là do nhận thức còn hạn chế của các CLB, của người xem... dẫn đến những phản ứng tiêu cực với TT bóng đá Việt Nam.

Mặt khác, theo chúng tôi, không có trọng tài nào có thể lợi dụng việc mình có thể có sai số để làm những việc không được phép. Trong trường hợp (nếu có), cũng sẽ chỉ là một lần và không thể không bị phát hiện. Bởi sau mỗi trận đấu, mỗi giai đoạn, HĐTTQG sẽ rà soát, phân tích, đánh giá và sẽ có hướng xử lý nếu nảy sinh hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ TT. Dĩ nhiên, mọi sai số cần phải được ghi nhận ở giác độ con người để có tác động tích cực hơn trong việc nâng cao chất lượng TT. Bên cạnh đó, rất cần VFF có những biện pháp chế tài đủ mạnh đối với những phát biểu không chính xác về công tác TT...

NGUYÊN AN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.