1- Chỉ là vòng đấu đầu tiên thôi nhưng những gì diễn ra trên các sân cỏ Việt Nam cuối tuần qua bước đầu cung cấp cái nhìn lạc quan cho những ai kỳ vọng vào sự khởi sắc về chất lượng của cầu thủ nội ở sân chơi V-League.
Vòng sơ loại AFC Champion League 2010, SHB Đà Nẵng thua Muangthong United 0-3. Ảnh tư liệu |
Càng vui hơn khi hầu hết cầu thủ nội đều thể hiện nét vững vàng, triển vọng. Số bàn thắng mà các cầu thủ nội ghi được ở ngày mở màn V-League 2010 - 2011 nhiều gấp ba lần so với vòng đầu mùa giải trước cũng là một thông số làm phấn khích các nhà chuyên môn, dù rằng không ít người có phần thất vọng vì tác giả của các bàn thắng ấy không phải là những tên tuổi quen thuộc từng góp mặt trong các đội tuyển quốc gia.
Nhưng sao lại thất vọng vì điều này khi mà bản thân các pha ghi bàn ấy lại phát đi một thông điệp tươi trẻ đầy tính thúc giục! Sự khởi sắc không dành riêng cho ai và thời gian thì luôn réo gọi mọi người bằng giọng điệu vừa thiết tha vừa khắc kỷ. Chẳng biết những Công Vinh, Thanh Bình, Việt Thắng - những chân sút cựu trào không thể đưa bóng vào lưới đối phương ở vòng đấu này - có nghe lòng thôi thúc vì một ý thơ Xuân Diệu?
Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sắp già…
2- Tranh luận có vẻ đang sôi nổi sau thất bại khá nặng của SHB Đà Nẵng trước đại diện Thái Lan Muangthong United ở đấu trường Champions League châu lục xoay quanh câu hỏi: Vô địch V-League thua đậm quán quân Thai - League, vậy thì giữa hai giải đấu lớn nhất của hai nền bóng đá láng giềng, giải đấu nào hấp dẫn hơn?
Tranh luận bởi lâu nay, dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, nhiều người quả quyết rằng sân chơi của bóng đá Việt Nam vượt trội sân chơi của người bạn Thái về chất lượng tranh tài, tính hấp dẫn và sự thu hút. Đành rằng không thể lấy thực tế của chỉ một trận đấu để đánh giá chung một giải đấu - nhất là khi trận đấu ấy diễn ra vào thời điểm đầu mùa, khi mà các cầu thủ còn chưa nóng máy - nhưng xem ra vẫn có nhiều bài học bổ ích cần được rút ra với những ai cầu thị từ sau cuộc đọ sức này để có cái nhìn xác thực hơn về đẳng cấp và chỗ đứng của nền bóng đá xứ sở mình.
Một trong những điều ấy phải chăng là chúng ta có phần coi trọng thành tích trước mắt mà xem nhẹ hoặc buông lơi việc đào tạo, chăm lo đội ngũ, nguồn lực trẻ, nền tảng giúp bóng đá Việt Nam vững vàng tiến về phía trước. Khi xác định hạnh phúc ở khía cạnh “con hơn cha nhà có phúc” thì rõ ràng câu chuyện của bóng đá Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở ngôi vô địch Đông Nam Á hay vẻ sôi động ồn ào của một giải đấu được các câu lạc bộ chú tâm đầu tư tiền của rối rít đua tranh giành vị trí cao cuối mùa mà chính là sách lược đường dài cùng tính toán đầu tư cho sách lược ấy đạt hiệu quả.
3- Sinh lực của đời sống và của cái đẹp là ở khả năng tiếp tục phát triển của nó, ở chỗ nó luôn giúp con người vươn tới sự hoàn thiện. Cái đẹp đích thực chỉ xuất hiện ở nơi con người tìm thấy và nhận biết điều chưa hoàn hảo của mình để nỗ lực tiến về phía trước. Cuối năm cũ, đầu năm mới, xin mượn một đúc kết của tác giả Kakuzo Okakura trong tác phẩm “Trà thư” để lan man bàn chuyện sân cỏ ngày xuân. Tinh thần đạo và thiền này xem ra cũng thích hợp lắm chứ với các câu lạc bộ bóng đá nói riêng, nền bóng đá Việt Nam nói chung trong tiến trình làm mới và nâng chất.
Nguyễn Đình Xê